CafeLand - Khuôn viên công nghệ mới của Google tại thành phố Mountain View trông không giống với bất kỳ khuôn viên nào tại Thung lũng Silicon trước đó. Công trình vừa được công bố này thậm chí có phần tương phản với khuôn viên theo mô hình “tàu vũ trụ” của Apple - nằm cách đó vài dặm và vừa hoàn thành phần thiết kế hai năm về trước.

Khuôn viên mới của Google giống như một thị trấn, có diện tích tới 40 mẫu Anh với chức năng hỗn hợp bao gồm văn phòng, nhà ở, khu vực bán lẻ, và không gian tổ chức các sự kiện công cộng. Dự án được công bố chỉ vài tháng sau khi Google ra mắt một khuôn viên đa chức năng khác có diện tích rộng hơn nằm cách trung tâm thành phố San Jose 10 dặm với sức chứa 25.000 nhân viên. Một số chuyên gia nhận định dự án tại Mountain View có thể tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD, bằng với khuôn viên của Apple.

Trong khi đó, Facebook gần đây đã quy hoạch lại khuôn viên của mình ở Menlo Park với các ngôi nhà có giá phải chăng, cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc, và các không gian chức năng khác.

Facebook, Google, Apple phát triển khuôn viên làm việc mở để thu hút nhân tài thế hệ millennials

Các công ty công nghệ lớn còn lại cũng đã đặt chỗ tại những khu vực như Santana Row tại Santa Clara - nơi Splunk đã ký hợp đồng thuê, và trung tâm thành phố San Jose - nơi đặt trụ sở chính của Adobe.

Việc xây dựng các khuôn viên phản ánh sự thay đổi trong thị hiếu của lớp nhân viên mà những gã khổng lồ công nghệ tại Thung lũng Silicon mong muốn tuyển dụng, đồng thời nhằm thay đổi quan điểm của xã hội về họ như những vị vua giàu có đứng từ tháp ngà nhìn xuống giới bình dân.

Hướng đến thế hệ millennials

Động lực thúc đẩy các công ty công nghệ bắt đầu bổ sung các cửa hàng bán lẻ, khách sạn và các trạm trung chuyển giao thông vào các khuôn viên là bởi nhân tài mà họ mong muốn tuyển dụng chủ yếu đến từ thế hệ millennials. Những người trẻ này thường thích sống tại các thành phố sôi động như San Francisco dù cho có phải mất hàng giờ vượt qua 40 dặm đường để đến nơi làm việc, hơn là một vùng ngoại ô nằm gần công ty.

Erik Shoennauer, một nhà tư vấn bất động sản thương mại ở Thung lũng Silicon, có khách hàng là Sand Hill Property và Google, cho biết: “Thế hệ này thích làm việc và sống trong một môi trường đô thị năng động. Mong muốn còn lại của họ là con đường đi làm đừng quá nhàm chán”.

Điều này khiến các công ty công nghệ phải đấu tranh để các thành phố ở Thung lũng Silicon có được bầu không khí đô thị đích thực.

Theo Kelly Snyder, một nhà tư vấn phát triển bất động sản và quy hoạch đã từng làm việc tại Thung lũng Silicon trong 25 năm qua, các công ty muốn rút ngắn quãng đường đến văn phòng để bảo vệ môi trường, và coi đây là lợi thế cạnh tranh để thu hút thế hệ millennials vốn coi trọng sự phát triển bền vững.

Đáp ứng nhu cầu này, khuôn viên tại San Jose của Google cũng bao gồm một trung tâm trung chuyển giao thông đa phương tiện, được mệnh danh là “Nhà ga trung tâm lớn của miền Tây”. Nơi đây sẽ có những con đường “linh hoạt” và đường dành riêng cho xe đạp chạy xuyên suốt toàn bộ khuôn viên.

Thế hệ millennials cũng đang trưởng thành và lập gia đình, nên các điểm tham quan, không gian giải trí công cộng và công viên gia đình đều được đưa vào các khuôn viên tại San Jose và Mountain View của Google.

Shoennauer nói: “Các khuôn viên đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tuyển dụng và giữ chân nhân tài của các công ty, nhưng nó cũng đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Nó tạo ra không gian mà người dân sống xung quanh có thể sử dụng như công viên hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em”.

Áp lực xã hội

Dù các công ty công nghệ đã nỗ lực tối ưu hóa chức năng của các khuôn viên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng lo ngại về tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ mới là động lực đằng sau các kế hoạch của họ.

“Tôi nghĩ rằng các công ty công nghệ đang thừa nhận rằng họ là một phần nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt nhà ở”, Bob Staedler, hiệu trưởng và người sáng lập công ty quy hoạch Silicon Valley Synergy cho biết. “Họ không thể bỏ qua những đòi hỏi thay đổi này”.

Đáp lại, Google đã thông báo kế hoạch tiếp quản một phần lớn trung tâm thành phố San Jose để xây dựng khuôn viên rộng lớn trong tương lai. Trong vòng một tuần kể từ khi tin tức được công bố, giá nhà trong bán kính ba dặm quanh khu vực này đã tăng lên 7%, kéo theo các cuộc biểu tình của người dân bên lề các sự kiện của Google.

Google sau đó đã phải sửa đổi quy hoạch để bổ sung các không gian công cộng và tổ chức các buổi phản hồi với người dân. Ông lớn này cũng cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào nhà ở có mức giá phải chăng quanh khu vực.

Google cũng học hỏi thêm từ Facebook – vốn phải đối mặt với sự phản đối từ các bang lân cận trong suốt vài năm vừa qua. Vì vậy, ngay từ sớm họ đã bắt đầu tăng cường sự tham gia tại địa phương, thuê các đại diện địa phương và tạo ra các không gian dành riêng cho sinh viên và hội thảo tại địa phương.

Các xung đột về không gian tại các khuôn viên phản ánh sự xa rời ngày càng lớn của các công ty công nghệ với những địa phương mà họ đặt văn phòng trên khắp đất nước.

“Những khuôn viên có tường bao quanh biệt lập có thể trở thành một xã hội thông thái sau 40 năm nữa, nhưng chúng lại bị hầu hết người dân trên cả nước phản đối và coi đó là sự chống đối. Bởi, chỉ những lập trình viên tài năng và may mắn mới được sống bên trong các khuôn viên, còn những người sống bên ngoài thì không có ý nghĩa gì cả”, Kelly Snyder nói.

Snyder và những người khác cho rằng mặc dù một khuôn viên mở không phải là chìa khóa để giải quyết các vấn đề lớn hơn ngay lập tức, nhưng nó thực sự có ích. Nó cũng giúp gia tăng quyền lên tiếng của nhân viên sống bên trong khuôn viên về những nhu cầu như đa dạng và hòa hợp tại nơi mà nam giới và người da trắng chiếm ưu thế.

“Tôi và nhiều chuyên gia, nhà quy hoạch, kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế đều thấy rằng một trong những lý do chính gây ra sự thiếu thiện cảm của người dân với các khuôn viên là bởi chủ các công trình này đang tách biệt với cộng đồng địa phương. Sẽ tốt hơn nếu một nhân viên sống trong khuôn viên có thể ngồi nhâm nhi đồ uống trong một quán cà phê cùng với hai người dân khác sống ở một ngôi nhà bình dân bên ngoài khuôn viên, thay vì phải quẹt thẻ để được ra vào”.

Cale Miller, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty bất động sản thương mại Hughes Marino, cho biết: “Mọi người cảm thấy sự bất công với các công ty công nghệ lớn cũng như sự giàu có mà họ đang tạo ra, nhất là qua việc thiếu gắn kết với cộng đồng địa phương. Nhờ mạng xã hội, người dân có cơ hội công khai các vấn đề nhiều hơn. Áp lực này khiến các công ty công nghệ buộc phải tìm ra cách để tạo sự gắn kết với cộng đồng địa phương, đây không chỉ là việc làm đúng đắn mà còn là phong cách sống mà những nhân viên của họ theo đuổi”.

Lam Vy (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.