Ngày 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2024, phương hướng những tháng cuối năm và năm 2025, trong đó có nội dung về hạ tầng giao thông.
Chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h trên trục Bắc - Nam đã được hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất vào giữa tháng 9/2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm.
Bộ GTVT này cũng tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD.
Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).
Đầu tháng 10/2024, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao sẽ bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài.
"Nếu có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng dịch vụ hàng hóa mà trong nước sản xuất được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỷ USD", lãnh đạo Bộ GTVT nói và cho biết hiện nay ngành giao thông đã có đội ngũ nhà thầu tự lực làm được phần cầu đường, hầm, cầu dây văng để tham gia dự án.
Bộ GTVT đánh giá với năng lực, trình độ ở trong nước hiện nay, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ giữa các dải tốc độ 250 km/h, 300 km/h, 350 km/h là tương tự nhau.
Nghiên cứu cho thấy nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghiệp xây dựng, tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.
Dự kiến ngày 13/11, Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đến 30/11 - ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận hội trường về nội dung này.
Cơ hội cho doanh nghiệp ngành thép?
Hiện nay, ngành thép đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nguyên vật liệu chính cho các hạng mục xây dựng của dự án. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thép trong nước khẳng định vị thế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành thép Việt Nam hiện có sự tham gia của các thành phần kinh tế đa dạng: Nhà nước, FDI và tư nhân. Trong đó, khu vực tư nhân và FDI chiếm tỉ trọng lớn và là lực lượng dẫn dắt, quyết định thị trường.
Các dự án lớn về sản xuất thép chủ yếu tập trung tại miền Trung, nơi có nhiều ưu thế để phát triển sản xuất thép như cảng nước sâu, diện tích đất rộng, chi phí đền bù và xây dựng thấp.
Ngành thép đã có sự tiến bộ đáng kể với các dự án lớn như Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát, Dung Quất đều sử dụng công nghệ lò cao - lò thổi truyền thống với thiết kế và trang bị kỹ thuật hiện đại, dung tích lò lớn; quy trình sản xuất khép kín, tối ưu hóa sử dụng năng lượng; các dây chuyền cán thép được lựa chọn kỹ thuật công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao.
Ngành thép đã chú trọng đầu tư vào các dự án quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm trước đây chưa có như thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội...
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Theo các chuyên gia, dự án đường sắt Bắc - Nam không chỉ thúc đẩy tiêu thụ thép trong ngắn hạn mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn cho ngành thép trong nước. Với tổng chiều dài tuyến đường lên đến hàng nghìn km, khối lượng thép sử dụng sẽ rất lớn, tạo ra nguồn cầu ổn định và liên tục trong nhiều năm.
Tại hội nghị của Chính phủ với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đánh giá đây sẽ là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia trong trung và dài hạn.
Ông Trần Đình Long cũng khẳng định, Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình lên Chính phủ. Nếu được thông qua, ngành thép Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế đối với dự án quan trọng của quốc gia.
Theo Bộ Công Thương, các chủng loại thép hợp kim sử dụng trong đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Cụ thể, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô và cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.
Về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.
-
Hơn 67 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Những doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi?
Các doanh nghiệp thuộc nhóm sắt thép, vật liệu xây dựng, thiết bị điện và nhà thầu xây dựng sẽ được hưởng lợi khi thực hiện các hạng mục thuộc dự án đường sắt cao tốc 67 tỷ USD.
-
Nợ công thấp là cơ sở huy động 67 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Chiều 20/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
-
Làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần tới 240.000 công nhân kỹ thuật
Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vô cùng lớn, cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng, 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn....
-
Đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD đến Cần Thơ
Sáng ngày 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.