Việc các chung cư cũ nát ở TP.HCM đang đe dọa đến sự an toàn của người dân đã được nhìn nhận và cảnh báo từ lâu, song tiến độ cải tạo, xây mới hiện vẫn đang ì ạch.
Ảnh Internet
Giải tỏa khó khăn
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện TP.HCM có 474 chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Ngoài việc bị xuống cấp, hư hỏng, mục nát ra, một vấn đề lo ngại khác chính là việc lấn chiếm, cơi nới đã làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, đe dọa rất lớn đến sự an toàn của cư dân. Đau đầu nhất, tình trạng pháp lý sở hữu căn hộ phức tạp, tức vừa có sở hữu riêng của tư nhân, sở hữu nhà nước cho thuê, lấn chiếm, chuyển nhượng, sang tay không hợp pháp.
Thực ra, việc di dời, tháo dỡ để đầu tư xây dựng mới chung cư cũ hư hỏng nặng, xuống cấp đã được TP.HCM thực hiện từ năm 1999, chứ không phải đến giờ mới làm. Tuy nhiên, kết quả của các giai đoạn trước đa phần không đạt so với mục tiêu, yêu cầu, nên chưa đáp ứng được nhu cầu chỉnh trang đô thị của Thành phố và thực tế kỳ vọng của người dân.
Một cán bộ ở Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, lý do thì nhiều, nhưng về cơ bản, vẫn xuất phát từ hai nguyên nhân chính, một là bồi thường giải phóng mặt bằng, hai là chỉ tiêu quy hoạch.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, khi bồi thường giải phóng mặt bằng, sẽ có liên quan đến 3 phía, gồm: chủ sở hữu chung cư; chủ đầu tư; chính quyền. Oái ăm ở chỗ, nhiều chung cư đã thỏa thuận bồi thường được hơn 90% nhưng phần còn lại chưa thỏa thuận được với người dân nên vẫn không làm gì được.
Trong khi đó, chủ đầu tư thường thiết kế căn hộ có diện tích tối thiểu của nhà ở thương mại, tức từ 45 m2 trở lên để người dân không nhận nhà thì có thể kinh doanh, nên chưa phù hợp với khả năng và nhu cầu của những người muốn tái định cư.
Mặt khác, theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc đa phần các chung cư cũ nằm trong khu vực nội thành, tức khu vực hạn chế phát triển dân cư cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện xây dựng mới, thay thế các chung cư cũ chưa hiệu quả, khả thi.
Cơ chế đặc thù
Rõ ràng, việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm để phá dỡ, xây dựng lại là hết sức cấp bách. Vì vậy, UBND TP.HCM đã đề xuất xin cơ chế phân công, ủy quyền cho các ban ngành, quận huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ chung cư cũ.
Đối với chỉ tiêu quy hoạch, giao cho UBND quận, huyện chủ động thực hiện quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch cho các vị trí chung cư cũ để bảo đảm dự án triển khai nhanh và hiệu quả.
“Tiêu chuẩn căn hộ tái định cư nên có diện tích tối thiểu bằng 1,1 lần so với diện tích căn hộ cũ và người dân không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào.
Trường hợp căn hộ được bố trí tái định cư có diện tích nhỏ hơn 25 m2 thì được bố trí căn hộ có diện tích tối thiểu là 25 m2. Đây là phần hỗ trợ riêng cho các đối tượng có nhà ở nhỏ hơn mức tối thiểu của nhà ở xã hội; các hộ có diện tích căn hộ tái định cư lớn hơn mức tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội thì không được hỗ trợ” - Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần trao cho TP.HCM những cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, giải tỏa, xây mới các chung cư cũ.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép UBND TP.HCM được chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, cấp độ cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn với điều kiện phải bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án khả thi, an toàn và hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch UBND Thành phố quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật. Thủ tướng cũng đã đồng ý cho UBND TP.HCM phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm.
Tiếp bước TP.HCM, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong cải tạo chung cư cũ, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/12/2016.
Ngô Ngãi (Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.