Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km, đi qua tỉnh Long An (2 huyện Bến Lức, Cần Giuộc), TP HCM (3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành). Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 31.320 tỉ đồng (tương đương 1.607 triệu USD) bằng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, tại TP HCM, ngoài huyện Cần Giờ đã hoàn tất công tác đền bù, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè lại đứng ngồi không yên.
Chờ nhận tiền từng ngày
Ông Ngô Tấn Chẩn (ngụ ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) đã 3 lần lui tới Ban BTGPMB huyện Bình Chánh để hỏi về tiền đền bù nhưng lần nào cán bộ nơi đây cũng đều lắc đầu bảo “chờ”. Lần mới nhất là vào giữa tháng 6-2014, ông Chẩn đến Ban BTGPMB huyện song lại thất vọng ra về vì chủ đầu tư chưa rót kinh phí. “Tôi nhận quyết định bồi thường do phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ký ngày 25-2. Từ đó đến nay đã gần 4 tháng mà vẫn chưa thấy Ban BTGPMB huyện báo lên nhận tiền” - ông Chẩn ngao ngán. Theo quyết định bồi thường này, hộ ông Chẩn bị thu hồi hơn 4.000 m2 đất nông nghiệp trồng cây hằng năm với kinh phí đền bù gần 3,6 tỉ đồng (làm tròn). Từ ngày chính quyền xã thông báo đến các hộ dân nằm trong khu vực bị thu hồi đất để làm đường cao tốc, ông Chẩn cũng như nhiều hộ dân ở ấp 4 gần như không tăng gia sản xuất gì trên đất nhà mình nữa.
Bà Trần Thụy Phiên (ngụ phường 6, quận 6) cũng trông chờ nhận 5,2 tỉ đồng vì bị thu hồi hơn 5.600 m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và hằng năm ở ấp 1, xã Hưng Long.
Mới rót 10% kinh phí đền bù
Theo Ban BTGPMB huyện Bình Chánh, tổng chiều dài tuyến đường đi qua địa bàn huyện là 11,6 km với 125 ha đất bị giải tỏa, thu hồi. Có 4 xã nằm trong dự án là Bình Chánh, Tân Quý Tây, Hưng Long và Đa Phước. Ban BTGPMB huyện cho biết với 1.153 hộ gia đình và cá nhân bị thu hồi đất thì dự án này có số hộ dân bị giải tỏa nhiều nhất từ trước đến nay. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban BTGPMB huyện, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư được phê duyệt là hơn 1.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới chuyển cho Ban BTGPMB huyện 182 tỉ đồng. Hiện số tiền này đã được chi đền bù hết cho khoảng 150 hộ dân. “Kinh phí đền bù này không thấm tháp vào đâu vì chỉ chiếm 10% tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ thiệt hại. Phía chủ đầu tư hứa sẽ chuyển dần từng đợt để huyện đền bù nhằm giao trước mặt bằng thi công gói thầu A1, A3” - ông Tùng nói. Lãnh đạo Ban BTGPMB huyện cũng thừa nhận chính vì vốn đền bù rót xuống nhỏ giọt nên đơn vị không dám ban hành quyết định đền bù cho các hộ dân và ngay cả những quyết định ban hành rồi cũng còn “treo” vì không có tiền chi trả. Dẫn chứng vướng mắc này, ông Tùng nói: “Đợt 1, Ban BTGPMB đã trình UBND huyện 539 quyết định bồi thường nhưng mới ký ban bành 239 quyết định (mới chi trả đền bù khoảng 150 hộ), còn 300 quyết định chưa ký với kinh phí đền bù khoảng 500 tỉ đồng”. Theo ông Tùng, tâm lý người dân nhận quyết định mà chưa được nhận tiền thường rất lo lắng nhưng cán bộ cũng chỉ biết động viên họ chờ và giải quyết theo thứ tự ưu tiên.
Dù số hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất ít hơn so với huyện Bình Chánh nhưng UBND huyện Nhà Bè cũng lo lắng vì chính quyền vận động các hộ dân giao đất cho dự án trầy trật, khi họ ủng hộ chủ trương thì chủ đầu tư lại thiếu kinh phí đền bù. Với 430 hộ dân 2 xã Long Thới và Nhơn Đức nằm trong dự án, tổng kinh phí đền bù là 991 tỉ đồng. Theo Ban BTGPMB huyện Nhà Bè, huyện mới chi trả đền bù cho 278 hộ với số tiền 470 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thanh Thoản, Phó Ban BTGPMB huyện, cho biết chủ đầu tư rót về đồng nào là Ban BTGPMB chi trả ngay và kinh phí đền bù đã hết. “Thấy người dân nóng ruột, chúng tôi có hỏi ban quản lý dự án và họ hứa tháng 6 sẽ rót tiếp vài chục tỉ đồng. Vậy mà đến thời điểm này, tình hình vẫn là… khát kinh phí!” - ông Thoản lo ngại.
Trong khi đó, thông báo mới đây gửi các địa phương nằm trong dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân thống nhất sẽ khởi công công trình vào giữa tháng 7 tại khu vực xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. UBND TP cũng yêu cầu Hội đồng Bồi thường huyện Bình Chánh phải hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cho đơn vị thi công trong tháng 10-2014.
Chưa bố trí được tiền Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT VEC, cho biết vốn nhà nước cấp để đền bù hiện nay không còn đồng nào. “Nhà nước đang sắp xếp vốn. Chúng tôi đã và đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về vấn đề này. Thậm chí, còn tính tới giải pháp vay tiền để xử lý trước nhưng chưa thực hiện xong” - ông Việt nói. T.Kha |
-
Thu hồi đất để làm đường, cây trồng trên đất có được bồi thường?
Vườn nhà tôi rộng 2.300 m2, trong đó có 200m2 là đất ở còn lại là đất trồng cây lâu năm và ao nuôi cá.
-
Quản lý đất đai: Buông lỏng kỷ cương, chạy theo lợi nhuận doanh nghiệp
CafeLand - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc để xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai có sự tiếp tay của cá nhân, tổ chức. Việc xử lý sai phạm chưa dứt điểm gây hoài nghi trong dân....
-
Giá đất đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng: Vì sao thấp xa giá thị trường?
Việc áp giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) làm dự án đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, UBND các tỉnh, thành phố thường đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Việc này dẫ...