Nhà ở để làm gì? Cố nhiên là để ở, nhưng ở mỗi vùng miền khác nhau lại có những quan niệm và chức năng khác nhau.

Những người khách du lịch phương Tây khi đến các nước châu Á vô cùng thích thú khi nhìn thấy những dãy phố thương mại bán cơ man là hàng hoá, chạy suốt từ phố này sang phố khác mà không có điểm dừng. Trong các sách hướng dẫn du lịch đều đề cập đến đặc tính này và nhiều nước coi đó là đặc sản của du lịch, còn các nhà khoa học đặt cho nó hẳn một khái niệm có tính định danh là shophouse (nhà + cửa hàng). Loại nhà kết hợp 2 và 3 trong 1 ngày nay rất phổ biến ở các thành phố châu Á. Chúng ta có thể thấy ở Bangkok, Manila, Jakarta, thậm chí các thành phố của Nhật Bản.

Loại nhà kết hợp 2 và 3 trong 1 ngày nay rất phổ biến ở các thành phố châu Á như Bangkok, Manila, Jakarta, thậm chí các thành phố của Nhật Bản. Trong ảnh, nhà ở kết hợp với thương mại ở thành phố Penang, Malaysia. Ảnh: N.M.H

Loại nhà shophouse này hiện nay rất phổ biến ở các đô thị Việt Nam. Nó có từ trong lịch sử và duy trì cho đến ngày hôm nay. Từ thời nhà Trần ở Thăng Long đã có rất nhiều các dãy phố nhà kết hợp với cửa hàng, và nó phát triển mạnh vào thời nhà Lê. Thật ra 36 phố phường của Hà Nội ngày xưa và ngày nay như Hàng Mã, Hàng Đường, Hàng Thiếc, Hàng Bạc đều là 2 trong 1 (ở + buôn bán) và 3 trong 1 (nhà ở + buôn bán + sản xuất). TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2007, tác giả bài viết này và hàng chục sinh viên làm một cuộc khảo cứu kéo dài hơn một năm về các phố thương mại và kết quả cho thấy trong 14 quận nội thành có 160 con đường (chiếm tỷ lệ 15%) trong tất cả con đường là phố chuyên doanh (chỉ bán một loại mặt hàng và chạy suốt tuyến như phố vật liệu xây dựng Tô Hiến Thành, phố đồ gỗ Ngô Gia Tự), còn loại nhà mặt tiền đường được sử dụng làm cửa hàng chiếm đến hơn 87%. Hiện tượng này cũng rất phổ biến ở Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Biên Hoà, Cần Thơ…

Thực sự thì đây là một nét rất độc đáo của kinh tế học đô thị. Về mặt kinh tế, loại hình này đã đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách thông qua thuế, thu hút giải quyết được một lượng khá lớn lao động, tận dụng được mặt bằng nhà ở của hộ gia đình cho hoạt động thương mại và sản xuất phục vụ xã hội. Trong những năm gần đây, siêu thị xuất hiện ngày một nhiều nhưng không thay thế được các cửa hàng bán lẻ tại gia, vì tính thuận tiện đối với cả người mua lẫn người bán và được người dân ưa thích.

Thật ra việc buôn bán tại nhà hiện nay hoàn toàn không ảnh hưởng đến trật tự an ninh, an toàn xã hội, cũng như cảnh quan môi trường, ngoại trừ một số cửa hàng bán đồ nhậu có gây mất trật tự, cửa hàng bán băng đĩa có gây ồn ào, các cửa hàng ăn có xả rác, nước bẩn ra vỉa hè..., còn lại thì đều ổn thoả cả. Những gì chưa được như lấn chiếm vỉa hè, mất vệ sinh thì cần chấn chỉnh, nhưng không vì thế mà cấm nhà ở vào mục đích kinh doanh và quy định các mức xử phạt. Như thế làm mất đi cơ hội kiếm tiền chính đáng của nhiều người, làm mất đi một truyền thống lâu đời, làm mất đi một loại hình kinh tế đang còn giá trị cho cả người dân lẫn Nhà nước.

Quy định đó, nếu có, thì phải khẳng định ngay đó là một quy định không đúng về mặt luật pháp, vì người dân có quyền tự do sử dụng những phần đất thuộc sở hữu được Nhà nước công nhận, nếu trong trường hợp họ đưa mặt bằng vào làm việc phi pháp thì hành vi phi pháp đó bị trừng phạt, còn kinh doanh là quyền hợp pháp của bất cứ người dân nào có đăng ký theo luật.

Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.