Lấy đất người sống làm nhà cho người chết?
Mới đây, các hộ dân sống tại khu phố 60, ngõ 307, đường Nguyển Xiển (xã Tân Triều) đã có đơn kiến nghị gửi UBND huyện Thanh Trì bày tỏ bức xúc trước thông tin về dự án Trung tâm văn hóa Thương mại – Dịch vụ Hạ Đình do Cty TNHH Thương mại Hỗ trợ kiến thiết Miền Núi (Cty Miền Núi) làm chủ đầu tư sẽ được chuyển đổi thành Trung tâm Thương mại – Dịch vụ Văn hóa Tâm linh.
Theo đó, 15.000m2 tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) sẽ được giao cho Cty Miền Núi xây dựng 2 toà cao ốc để phục vụ cho chỗ lưu giữ lọ tro cốt sau hoả táng, cung cấp các mặt hàng tâm linh như : Đồ thờ cúng, phong thuỷ, vàng mã… Chủ trương này cũng đã được UBND TP.Hà Nội “đồng ý về mặt nguyên tắc”, thể hiện trong văn bản số 6010/VP-QHKT ngày 1.9.2015.
Trên các căn cứ đó, ngày 28.6.2016, UBND xã Tân Triều đã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với các hộ dân thuộc tổ dân phố 60, ngõ 307 đường Nguyễn Xiển.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, nguồn gốc đất nơi đây vốn là đất nông nghiệp. Sau khi nhà nước thu hồi phần lớn diện tích đất nông nghiệp của người dân để làm đường vành đai 3 của thành phố, diện tích còn lại do không còn phù hợp sản xuất nông nghiệp, người dân đã tự xây nhà và hình thành nên tổ dân phố số 60 như hiện nay.
Ông Nguyễn Gia Dũng (50 tuổi), một người dân tổ dân phố 60, Nguyễn Xiển bức xúc: “Ngày 5.7 vừa qua, tôi nhận được giấy quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình nhà ở tại khu tổ dân phố 60 Nguyễn Xiển của UBND xã mà giấy này đã được kí từ ngày 28.6. Trước đó, ngày 23.6, khi tiến hành họp bàn dân thì UBND xã chưa trả lời thích đáng cho những câu hỏi của người dân. Đây cũng là chỗ sinh nhai chính của gia đình. Nếu xã lấy đất đi thì gia đình chưa biết xoay sở cuộc sống sau đó thế nào. Sao lại đẩy người sống ra đường làm nhà cho người chết vậy?”
Thực hư chuyện xây dựng nghĩa trang
Việc đột nhiên có thông tin về “Trung tâm thương mại dịch vụ văn hoá tâm linh” hay là “nghĩa trang tro cốt” sắp được xây dựng tại khu vực gần nhà mình, chị Trần Thị Hoa (23 tuổi, Hạ Đình, Thanh Xuân) cũng không giấu nổi sự bất ngờ và nghi ngại: “Công việc của mình thường xuyên phải về muộn, đi làm về đêm tối đã sợ rồi, nay lại có thêm nghĩa trang gần nhà mình, chắc mỗi lần đi qua mình sẽ sợ rợn hết tóc gáy lên mất.
Trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Quyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều - cho biết: “Tổng diện tích thu hồi đất trên địa bàn xã Tân Triều cho dự án đấu thầu của Cty Miền Núi là 4321,9 m2. Địa phương chỉ đang lên phương án giải phóng mặt bằng cho dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ Hạ Đình còn về vấn đề xây dựng “nghĩa trang tháp đôi” hay vấn đề tâm linh thì không hề có chuyện đó”.
Trao đổi với PV, GS. Ngô Đức Thịnh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Việt Nam) cho rằng: “Việc xây dựng khu Trung tâm tâm linh hay Trung tâm thương mại đều phục vụ lợi ích của con người. Con người sau khi mất đi đều mong muốn có nơi an nghỉ, chôn cất. Tuy nhiên, việc xây dựng nghĩa trang ngay trong lòng thủ đô thì nên cân nhắc. Vì nơi thờ phụng tâm linh cần nơi yên tịnh, sạch sẽ. Việc Quy hoạch khu dân sinh để xây dựng khu tâm linh thì phải khảo sát nhu cầu của người dân xem có hợp lý không? Việc xây dựng cũng phải bố trí cho hợp lý”
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn Hoá Việt Nam cũng đồng tình với việc nên xây dựng quy hoạch các nghĩa trang vì điều này phù hợp với tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, ông khuyên các nhà thầu xây dựng nên cân nhắc chặt chẽ nơi xây dựng cũng như nhu cầu của người dân. Ông nghi ngại rằng, việc xây dựng nghĩa trang trong nội thành với quỹ đất nhỏ, dễ có hiện tượng quá tải mà khả năng mở rộng diện tích là hơi khó. Song song đó là vấn đề môi trường, vấn đề thờ cúng,…