Một dự án chung cư thuộc phân khúc bình dân tại quận 9, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng
Chuyển động thị trường trong năm 2012 cho thấy phân khúc căn hộ bình dân chiếm phần lớn nguồn cung mới, tập trung nhiều ở các quận ngoại thành. Đây cũng là phân khúc có tỷ lệ giao dịch thành công nhiều hơn.
Những động thái gần đây của Chính phủ trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng tập trung nhiều vào các dự án nhà chung cư có giá bán thấp, phù hợp với đại đa số người mua nhà để ở.
Bên cạnh những dự án có thể chuyển sang nhà ở xã hội, một số chủ đầu tư cũng đang hướng dòng sản phẩm của mình vào đối tượng khách hàng này.
Chẳng hạn như Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) chuẩn bị đưa ra thị trường dòng sản phẩm S-Home với tiêu chí căn hộ diện tích nhỏ, từ 40 - 60 mét vuông. Công ty này cho biết sẽ xây dựng từ 700 - 1.000 căn hộ S-Home tại quận 9 và Thủ Đức trong thời gian tới.
Trong khi đó thị trường cũng đã xuất hiện loại hình căn hộ mua bán có thời hạn, hay cho thuê dài hạn nhắm vào khách hàng là những gia đình trẻ. Chẳng hạn như Công ty Lê Thành vừa đưa ra thị trường dự án Lê Thành Twin Towers tại quận Bình Tân, TPHCM, với phương án cho thuê căn hộ trong 49 năm với giá 350 triệu đồng.
Ngoài ra còn khá nhiều công ty cũng đang khai thác phân khúc này, ví dụ như Công ty cổ phần đầu tư Nam Long với dự án Ehome 3 Tây Sài Gòn ở quận Bình Tân có quy mô 2.000 căn hộ, dự án Khang Gia tại quận Gò Vấp với 320 căn hộ, hoặc dự án Lucky Apartment tại quận Tân Phú với 300 căn…
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Thuduc House, nhận định, về cơ cấu thị trường, năm 2013 sẽ là năm bùng nổ nguồn cung căn hộ ở phân khúc bình dân, và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp địa ốc cũng sẽ khốc liệt hơn, người mua sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Cùng nhận định, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng ngoài vị trí, các dự án đang cạnh tranh nhau về giá bán, về tiện ích của dự án, và nhất là cạnh tranh về diện ích căn hộ - yếu tố quan trong không kém bên cạnh giá bán. Đã có dự án bán giá thấp hơn dự án bên cạnh 20% nhưng vẫn không bán được do diện tích lớn dẫn đến giá trị căn hộ cao hơn.
“Ở thời điểm này cạnh tranh về đơn giá chưa hẳn đã thành công mà phải quan tâm đến diện tích căn hộ bên cạnh các yếu tố khác,” ông Đực nhận định.
Ông Nguyễn Duy Minh, Phó tổng giám đốc Hung Thinh Land, cho rằng giá căn hộ đang giảm về giá trị thực của nó, và các chủ đầu tư đang dùng chiêu thức khuyến mại khác nhau để bán hàng. Điều quan trọng là các chủ đầu tư cạnh tranh với nhau là phải thể hiện năng lực xây dựng dự án của mình phù hợp với tiến độ góp vốn của người mua.
“Chỉ có như vậy mới cạnh tranh được với nhau, vì cho dù đưa ra căn hộ giá rẻ nhưng người mua không thấy được sự đảm bảo trong xây dựng thì họ sẽ không mua,” ông Minh nhận định.
Ông Ngô Vĩ Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), cho rằng do các dự án nhà ở trung bình dễ tìm người mua hơn nên nhiều công ty tập trung vào phân khúc này, tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược riêng cho mình, và quan trọng là chủ đầu tư phải có uy tín, phải tạo niềm tin nơi khách hàng thì mới đứng vững và có thể cạnh tranh trên thị trường.