Bỏ ra hàng tỷ đồng để mua căn hộ, song vấn đề đặt ra hiện nay là quyền lợi của khách hàng quá bị xem nhẹ. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến xung đột giữa khách hàng và chủ đầu tư lẫn các đơn vị môi giới ngày càng tăng.

Dự án Petro Landmark đến nay vẫn chưa hoàn thiện bàn giao cho khách hàng.

Sai còn đổ lỗi cho khách hàng

Một khách hàng mua căn hộ tại dự án Petro Landmark (phường An Phú, quận 2) đã rất bức xúc khi nói đến trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Vị khách hàng này cho biết mấy năm qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án này đã gửi đơn lên các cấp chính quyền khiếu nại việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà, thậm chí căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, nhưng chủ đầu tư vẫn bình chân như vại, không có động thái tích cực nào trong việc thúc đẩy dự án sớm hoàn thiện.

“Theo cam kết, chậm nhất cuối năm 2011, chủ đầu tư sẽ tiến hành bàn giao nhà, nhưng diễn biến đến nay thời hạn này đã là vô định. Biết rằng thời buổi kinh tế suy thoái, chủ đầu tư gặp khó nhưng cũng phải hiểu người dân lao động chúng tôi càng khó khăn hơn bội phần” - vị khách hàng chia sẻ.

Cũng là nạn nhân tại dự án Petro Landmark, chị Ng. D. M tâm sự sự giận dữ đối với chủ đầu tư đã khiến chị mất ăn mất ngủ 2, 3 năm nay, thậm chí khối bê tông xấu xí luôn là nỗi ám ảnh trong những giấc mơ. Tháng 10-2011, chị D. từ TPHCM ra Hà Nội ký hợp đồng mua căn hộ thông qua sàn của CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL). Căn hộ 6.02C, diện tích 151,7m2 của chị D. mua có giá trị 2,4 tỷ đồng và đã được thanh toán 2,2 tỷ đồng. Từ lúc thanh toán tiền đến nay, chị D. vẫn phải ở trọ chờ căn hộ mơ ước trong vô vọng.

Còn ông H., (quận Gò Vấp), cũng cho biết vào tháng 9-2011, ông đã đến tham quan dự án và thấy công trình đã hoàn thiện gần xong phần thô. Trong lúc quá bức xúc về nhà ở, lại được chủ đầu tư cam kết giao nhà chậm nhất vào quý III-2012, gia đình ông gom góp tiền tự có và vay mượn khắp nơi để mua căn hộ. “Vì tin tưởng vào uy tín của một chủ đầu tư có tên tuổi, cũng như tương lai của dự án, tôi đã nộp cho chủ đầu tư 1,6 tỷ đồng, nhưng quả thật chủ đầu tư làm tôi quá thất vọng” - ông H. bày tỏ.

Theo nhiều khách hàng, từ khi công trình trùm mền đến nay, chủ đầu tư rất thiếu thiện chí trong việc hoàn thiện dự án. Điều đáng nói, ngày 7-1-2015, PVC Land (công ty con của PVL) đã có Văn bản 05/PVC LAND-PC trả lời khách hàng nhưng đổ lỗi nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ do nhiều khách hàng đã không thực hiện đóng tiền cho chủ đầu tư theo như tiến độ cam kết trong hợp đồng, dẫn đến chủ đầu tư bị thiếu vốn. “Đây là sự biện minh thiếu căn cứ và khó chấp nhận. Đã sai lại còn đổ lỗi cho khách hàng” - một khách hàng nói.

Được biết, trước những lời kêu cứu từ hàng trăm khách hàng Petroland Mark, ngày 30-10-2014, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên ký Công văn 635/TTr-KNTC gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVC yêu cầu nhanh chóng giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của khách hàng.

Trong đó, thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh các nội dung tố cáo, khiếu nại của khách hàng, như chủ đầu tư dự án chậm bàn giao căn hộ; vi phạm hợp đồng mua bán căn hộ đã ký với khách hàng; không nộp tiền sử dụng đất của dự án dẫn tới khách hàng mua căn hộ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất; thế chấp toàn bộ dự án cho ngân hàng, trong đó có cả những căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền…

Chưa thực hiện nghiêm các quy định

Hiện nay, các văn bản pháp lý liên quan đến quản lý sử dụng và vận hành nhà chung cư đã được các cấp thẩm quyền ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc mỗi chủ đầu tư làm theo mỗi kiểu, chậm trễ làm giấy chủ quyền, bầu ban quản trị, bàn giao quỹ bảo trì, xác định sở hữu chung - riêng khiến mâu thuẫn, xung đột giữa các bên liên quan ngày càng trở nên gay gắt.

Tranh chấp liên tục và kéo nhau ra tòa giữa ban quản trị và chủ đầu tư dự án Chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức) là Công ty Thành Trường Lộc về phí bảo trì chung cư, là một thí dụ điển hình. Mới đây, Tòa án Nhân dân quận 3, TPHCM vừa thụ lý đơn kiện của ban quản trị chung cư yêu cầu Công ty Thành Trường Lộc chuyển giao quỹ bảo trì với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.

Chung cư 4S Riverside đưa vào sử dụng năm 2009, ban quản trị được công nhận vào năm 2011. Tháng 9-2014, ban quản trị đã cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của chủ đầu tư để làm cơ sở cho việc bàn giao quỹ bảo trì. Chủ đầu tư cũng đã có văn bản xác nhận hồ sơ đầy đủ và thông báo tháng 10-2014 sẽ chuyển giao quỹ bảo trì hơn 3 tỷ đồng.

Nhưng đến hẹn, chủ đầu tư lại thông báo tạm hoãn, chưa thể chuyển giao. Ông Đỗ Quốc Thắng, thành viên Ban quản trị chung cư 4S Riverside, cho rằng quỹ bảo trì là tài sản của tập thể cư dân nhưng Công ty Thành Trường Lộc đã cố tình chiếm dụng bất hợp pháp từ năm 2011 đến nay, bất chấp chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

“Sau mấy năm sử dụng, nhiều hạng mục chung cư xuống cấp, không bảo đảm an toàn (hệ thống thang máy, báo cháy, bơm nước, các nhà tầng mái thấm, một số vị trí có dấu hiệu nứt lún) nhưng chúng tôi không có kinh phí bảo trì.

Tháng 12-2014, ban quản trị đã tổ chức cuộc họp và thống nhất khởi kiện chủ đầu tư để đòi tiền quỹ bảo trì. Đến nay, tòa đã triệu tập 3 cuộc hòa giải, song chủ đầu tư bất chấp không đến dự. Sau khi hòa giải không thành, tòa án cho biết đang chuẩn bị đưa vụ kiện này ra xét xử trong thời gian sớm nhất” - ông Thắng cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với ĐTTC, bà Nguyễn Thị Song Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc, lý giải việc chưa bàn giao quỹ bảo trì là do ban quản trị chung cư chưa chịu ký quyết toán do ngại khi quyết toán xong, chủ đầu tư sẽ hết trách nhiệm với các số liệu. Trong thời gian này, nếu muốn chi tiền vào khoản gì, phải có đủ 6 chữ ký của các thành viên ban quản trị, tránh xảy ra trường hợp tiền chuyển cho ban quản trị bị sử dụng sai mục đích.

Minh Tuấn (Sài Gòn ĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.