Ông Trần Văn Hợp (bên trái) bức xúc trước căn nhà cấp 4 cũ nát của mình mà không được sửa chữa.
“Ba voi… không được bát nước xáo”
Đây là câu nói cửa miệng chất chứa sự bức xúc và không kém phần bi hài của ông Trần Văn Hợp – trú tại khu phố Tây Nam, phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn khi chúng tôi tìm gặp ông giữa “bão” dịch. Suốt 10 năm nay, 12 nhân khẩu của 3 cặp vợ chồng với 3 thế hệ của gia đình ông Sơn phải sống trong căn nhà cấp 4, ba gian rộng chưa đầy 60m2 được xây cất từ hơn 20 năm trước, ẩm thấp và dột nát mà không thể sửa chữa hay xây mới để san tách hộ cho con cái.
Không giấu được sự bức bối của mình, ông Hợp cho biết: Khi biết tin có Dự án xây dựng đường Ba Voi đi Sầm Sơn qua thôn, mọi người ai cũng khấp khởi vui mừng vì mở đường chạy qua, đồng nghĩa với làng được mở mặt. Chính vì thế mà người dân trong vùng bị ảnh hưởng rất đồng thuận, răm rắp kiểm kê, giao đất.
Thế nhưng, suốt từ năm 2011 đến nay, sau khi cán bộ dự án đến kiểm kê, đo vẽ thì tất cả lại im lìm như chưa có gì xảy ra. Chỉ có hàng chục hộ dân ở đây phải sống trong cảnh khốn khổ vì không có nước sạch, không được cải tạo, sửa chữa, xây mới dù nhà đã sập xệ, dột nát.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như gửi đơn lên các cấp nhưng chỉ được nghe lãnh đạo 5 lần 7 lượt hứa mà không có hướng giải quyết. Một là bố trí tái định cư cho chúng tôi di dời, 2 là nếu không triển khai nữa thì để cho người dân được phép xây cất, sửa sang nhà cửa”, ông Hợp nói.
Cùng chung hoàn cảnh với gia đình ông Hợp, do căn nhà đã quá xuống cấp, không thể ở thêm được, nên mấy năm trước gia đình ông Trần Văn Linh (60 tuổi), phố Tây Nam, phường Quảng Vinh đã phải xin chính quyền địa phương tu sửa lại căn nhà để lấy chỗ ra vào. Ngay cả việc xin phép được sửa chữa lại căn nhà cũng khiến ông một phen “lên bờ xuống ruộng”.
Ông Linh nhớ lại: Đầu tiên, ông phải làm đơn gửi lên UBND TP Sầm Sơn, sau đó chính quyền bắt ông phải chụp lại toàn bộ hiện trạng căn nhà để “làm tin”. Tiếp đó là vài đoàn về thẩm tra rồi mới cấp phép cho ông được sửa chữa.
“Nhiêu khê lắm nhưng không sửa thì lấy chỗ nào mà nương náu mỗi khi mưa bão về. Hiện nay gia đình tôi có 11 nhân khẩu với 3 thế hệ đang sống trong căn nhà này...!”.
Tìm hiểu thêm được biết: Không chỉ riêng gia đình ông Linh, ông Hợp mà còn tới 45 hộ gia đình khác nữa trên địa bàn khu phố Tây Nam đang phải chịu chung tình cảnh này. Mặc dù đang ở trên mảnh đất hợp pháp của mình, nhưng những hộ dân ở đây không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì vậy việc người dân muốn thế chấp đất để vay vốn là điều không thể.
Thiếu vốn, không thể đầu tư mua sắm tàu thuyền, ngư cụ đánh bắt dẫn đến đời sống kinh tế khó khăn chồng chất. Người dân ở đây đang lo lắng, sống khốn khổ bởi mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình, đi không được mà ở cũng không xong.
Cơ bản vẫn do… thiếu tiền
Vậy đâu là nguyên do khiến một dự án mang tầm chiến lược của tỉnh Thanh Hóa suốt 10 năm vẫn nằm trong tình trạng dở dang? Tìm hiểu từ phía chính quyền địa phương, được biết: Trước đó, vào ngày 18/5/2011,UBND huyện Quảng Xương (trước đây Quảng Vinh thuộc huyện Quảng Xương) có Quyết định 668 về việc thu hồi đất để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây dựng đường Ba Voi đi Sầm Sơn đoạn qua Quảng Vinh. Trong đó có gần 18.000m2 đất của 47 hộ dân phường Quảng Vinh. Việc kiểm kê đã hoàn thành và có quyết định thu hồi đất đến 47 hộ dân nhưng cũng từ đó đến nay, dự án vẫn không được thực hiện.
Về vấn đề này, ông Lê Huy Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Sầm Sơn cho biết: Dự án xây dựng đường Ba Voi đi TP Sầm Sơn đoạn qua phường Quảng Vinh do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Nhưng do UBND tỉnh Thanh Hóa chưa bố trí được nguồn ngân sách nên dự án vẫn chưa được triển khai.
Còn dự án khu tái định cư để di dời những hộ dân bị ảnh hưởng tại khu phố Tây Nam là do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Hiện địa phương đã bố trí được quỹ đất nhưng vẫn chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu tái định cư này.
Ông Hưng cho biết thêm: Vào tháng 6/2020, Sở GTVT Thanh Hóa đã có công văn gửi UBND TP Sầm Sơn đôn đốc triển khai GPMB cho dự án này. Đồng thời, UBND TP Sầm Sơn cũng vừa triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, thực hiện dự án.
Ông Hưng khẳng định: “Theo kế hoạch thì đến hết năm 2020 (chậm nhất là đến tháng 1/2021), sẽ hoàn thiện công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường và hỗ trợ và tái định cư cho người dân!”.
-
Thanh Hóa: Chính quyền Sầm Sơn “nợ” đất tái định cư của dân đến bao giờ?
Được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hộ bà Trương Thị Vân là người tiên phong nhường đất để Nhà nước thu hồi cho dự án sinh thái nghỉ dưỡng. Thế nhưng, đến nay phương án bố trí 6 lô đất tái định cư đã quá gần 4 năm mà người dân vẫn chưa nhận được đất.
-
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định quan trọng về nguồn vật liệu thi công cho các dự án trên địa bàn
Nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ các dự án tại tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới sẽ được giải quyết khi mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng diện tích 12ha tại xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh được đưa vào khai thác....
-
Điều chỉnh 4 nội dung tại siêu dự án du lịch sinh thái biển gần 5.000 tỷ đồng ở Thanh Hoá
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá.
-
Thanh Hóa duyệt quy hoạch khu dân cư 626 dân, giáp ranh khu công nghiệp tương lai
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 215/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư mới Đại Đồng, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn có tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 51.584,3 m2 với 626 dân....