31/03/2015 10:15 AM
Tập đoàn Mỹ Rocky Lai & Associates không thực hiện đúng tiến độ dự án Khu CNTT tập trung (còn gọi là Thung lũng Silicon) ở xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng, nhưng khi thành phố muốn thu hồi, cán bộ Sở KH&ĐT cho rằng, họ không sai luật và rất có thể sẽ kiện ta.

Nhiều nhà dân trong dự án “Thung lũng Silicon” đã phải đập bỏ, nhưng dự án đang được thực hiện với tốc độ rùa bò. Ảnh: Nam Cường.

Tại cuộc họp Thành ủy mở rộng sáng 30/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ nói rằng, không thể chấp nhận câu chuyện nhà đầu tư bày ra rồi để đó mà chính quyền không làm gì được. Lãnh đạo Đà Nẵng đã và đang tập trung nghiên cứu 2 phương án: thu hồi dự án hoặc cho Rocky Lai & Associates tiếp tục.

“Nếu là phương án 2, phải đưa ra một số ràng buộc khác, tránh tình trạng làm cũng được mà không làm cũng chẳng chết ai. Cán bộ Sở KH&ĐT cho rằng nếu thu hồi sẽ bị kiện. Tôi thấy chuyện này quá vô lý. Ta giải tỏa, tái định cư dân hết 50 tỷ đồng, cho họ đất sạch để rồi họ bày ra đó rồi không làm nữa, ta thu hồi họ muốn kiện là kiện à. Họ không làm, ai đòi lại 50 tỷ đồng cho thành phố? Nghiên cứu thu hồi, mời Ban Pháp chế, luật sư vào cuộc”, ông Thọ nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ngày 30/3 ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố, cho hay, Sở vẫn chưa đọc kỹ hợp đồng nên chưa thể tham mưu cho thành phố. “Ý nói thu hồi sẽ bị kiện là của một cán bộ Sở thôi, ngày 31/3, chúng tôi mới họp, đọc kỹ hợp đồng rồi mới có ý kiến”. Ông Sơn nói rằng, theo luật, nếu 2 năm liên tiếp không triển khai các hoạt động, dự án sẽ bị thu hồi.

Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, dự án khởi động năm 2013 với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD. Sau khi cam kết cũng như khởi công khá hoành tráng, đến khoảng cuối năm 2013 đầu năm 2014, Rocky Lai & Associates, Inc có dấu hiệu chững lại. “Mặc dù thành phố, các sở, ban ngành hết sức tạo điều kiện nhưng tình hình không thay đổi. Nhiều khả năng, nhà đầu tư này không có năng lực tài chính, họ không muốn đầu tư vào Việt Nam nữa”, ông Sơn nói.

Một trong những vấn đề nóng thời gian qua ở Đà Nẵng là chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một hội nghị gần đây kết luận: Thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI ở Đà Nẵng thời gian qua là không hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào đất ven biển Đà Nẵng, tuy nhiên, đã hết đất. “Bây giờ chỉ còn đất thừa khu công nghiệp, đất các doanh nghiệp FDI chậm triển khai. Sắp tới thành phố sẽ chỉ nghiên cứu chào mời những nhà đầu tư có lợi thế về giá trị gia tăng, có tiềm năng phát triển.

Sắp tới, cũng giao Sở TN&MT nghiên cứu thu hồi đất thừa ven biển. Hiện đất khu công nghiệp có 1.005 ha, riêng doanh nghiệp FDI có tới 423 ha nhưng mới chỉ sử dụng 6%. Tức còn 102 ha của các doanh nghiệp FDI, yêu cầu quyết liệt rà soát, thu hồi”. Theo ông Viết, với doanh nghiệp Nguyễn Kim đang đầu tư vào siêu thị Bài Thơ (cũ), nếu hết năm 2016 không khởi động dự án, sẽ bị thu hồi.

Nam Cường (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.