Nhiều lần đổi chủ, thay vốn
Dự án Nhà máy luyện thép Guang Lian nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án có quy mô xây dựng trên khu đất 504 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD.
Khởi công từ tháng 3/2010, Guang Lian được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nhà máy luyện cán thép lớn nhất Việt Nam sau khi giai đoạn 1 hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2013. Công suất nhà máy có thể đạt 3,5 triệu tấn/năm. Các sản phẩm sản xuất chủ yếu là phôi thép thỏi, thép cuộn cán nóng, thép thanh, thép cuộn.
Tuy nhiên, sau 10 năm được cấp phép đầu tư xây dựng, trải qua nhiều lần thay đổi về chủ đầu tư và mức vốn thực hiện, đến nay dự án vẫn “đứng bánh”.
Sau 10 năm được cấp phép đầu tư xây dựng, trải qua nhiều lần thay chủ và vốn đầu tư, dự án thép Guang Lian vẫn "đứng bánh".
Dự án Guang Lian được cấp phép đầu tư vào năm 2006, đầu tiên do Tập đoàn Tycoons đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E-United hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD. Hai tập đoàn này đều đến từ Đài Loan.
Đầu năm 2012, Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản đã quyết định góp vốn, xin tăng mức đầu tư dự án lên 4,5 tỷ USD (đến nay vẫn chưa được duyệt) để cùng Tập đoàn E-United nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án. Song, sau 2 năm theo đuổi, Tập đoàn JFE đã chính thức từ bỏ cuộc chơi vào tháng 9/2014 với các lí do đưa ra là thị trường thép còn biến động, việc đầu tư bằng đồng yên gặp nhiều khó khăn.
Đến tháng 3 năm nay, Tập đoàn E-United vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy Guang Lian và xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 5 cho dự án. Trong đó, có việc xin giảm mức vốn đầu tư dự án xuống còn 2 tỷ USD.
Dù vậy, cuối cùng E-United cũng nối gót JFE ra đi.
Sau chục năm trì trệ, hiện nay UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng dự án đã đủ điều kiện thu hồi giấy phép và đang xem xét để đưa ra lối thoát mới cho dự án.
Cuối cùng có về tay Hòa Phát?
Cách đây ít ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi lên Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến chỉ đạo việc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy Thép liên hợp tại khu vực Dự án Thép Guang Lian cũ.
Theo đó, vốn đầu tư dự án có thể từ 2 – 2,5 tỷ USD, sẽ chuẩn xác khi lập dự án. Trong đó, vốn tự có của Hòa Phát là 65%, phần còn lại từ vốn vay thương mại. Diện tích đất cần để thực hiện dự án khoảng 300 – 350 ha, trong đó giai đoạn 1 khoảng 150 ha. Khu đất này nằm ngay trong vị trí nhà máy thép Guang Lian cũ.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Hòa phát đã có năng lực kinh nghiệm đầu tư và vận hành hiệu quả Nhà máy luyện cán thép 1,7 triệu tấn/năm tại Hải Dương, có tiềm lực tài chính. Do đó, khả năng huy động vốn tự có trong giai đoạn 1 trong vòng 3 năm của Tập đoàn này là khả thi.
Về diện tích đất xây dựng dự án, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng với quy mô xây dựng nhỏ hơn, sản phẩm ít hơn nên dự án Nhà máy thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất từ 300 - 350 ha là hợp lý.
Đáng chú ý, trong văn bản do ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi lên Thường trực Tỉnh ủy lần này cũng cho biết, hiện nay ngoài Tập đoàn Hòa Phát của đại gia Trần Đình Long xin đầu tư xây dựng dự án thép tại khu vực dự án Guang Lian còn có cả Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ.
Đối với các kiến nghị của Tập đoàn Hoa Sen, phía Quảng Ngãi đã có công văn lưu ý về các vấn đề khi đầu tư vào dự án này nhưng chưa nhận được hồi âm. Trong khi đó, tại cuộc họp gần đây, các sở ngành đều ủng hộ giao Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu đầu tư dự án.
Mặc dù Tập đoàn của đại gia Trần Đình Long đang có ưu thế hơn về mọi mặt nhưng Hoa Sen cũng là đối thủ đáng gờm. Nếu có 2 đại gia này tham gia thì cuộc đua đầu tư này chắc chắn sẽ đầy kịch tính.
Hiện, UBND tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất tiến hành quy trình và các thủ tục cần thiết để có phương án xử lý Guang Lian. Đồng thời, xúc tiến tìm nhà đầu tư vào lĩnh vực luyện cán thép. Hình thức đầu tư có thể là chuyển nhượng dự án hoặc đầu tư mới trên một phần diện tích của dự án Guang Lian.
Hòa Phát hiện là 1 trong 3 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng lớn nhất cả nước với vốn điều lệ khoảng 7.330 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý 2/2015 là hơn 13.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2014 của Tập đoàn đạt 22.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.200 tỷ. Năm 2014 doanh thu ước đạt 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận 3.500 tỷ. Tập đoàn Hòa Phát đang sở hữu nhiều nhà máy sản xuất thép, trong đó nổi bật là Nhà máy Khu liên hợp gang thép tại Hải Dương với công suất 1,7 triệu tấn/năm, quy mô 130 ha. |
-
Dự án tỷ đô để... chăn bò: Chiếc bánh vẽ đầy cay đắng
Trong số các siêu dự án thép, duy nhất Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa đang xây dựng. Các dự án khác, cái bị rút giấy phép, cái không được cấp phép, cái dậm chân tại chỗ.
-
Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất nguy cơ bị 'khai tử'
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, nguyên nhân chính khiến dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất sau 9 năm vẫn chưa được đầu tư xây dựng là do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế. Nếu việc triển khai chậm tiến độ tiếp tục kéo dài, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chính thức “khai tử” đối với “siêu dự án” này theo quy định của pháp luật hiện hành.
-
Chậm tiến độ, siêu dự án thép xin giảm vốn đầu tư
Chủ đầu tư dự án thép Guang Lian (Quảng Ngãi) đề nghị được giảm vốn từ 3 tỷ USD xuống 2 tỷ USD, dù trước đó từng muốn tăng vốn lên 4,5 tỷ USD.
-
Rút khỏi Guang Lian, JFE sẽ hợp tác với Formosa
Sau khi tuyên bố ngưng việc nghiên cứu đầu tư vào dự án sản xuất thép ở khu kinh tế Dung Quất, tập đoàn JFE (Nhật) có khả năng sẽ quay lại Việt Nam để hợp tác với tập đoàn Formosa (Đài Loan) trong dự án thép khổng lồ đang được xây dựng ở Hà Tĩnh.