Theo văn bản Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi gửi lên Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương và Cục Hàng hải Việt Nam, sau khi tập đoàn JFE (Nhật Bản) rút khỏi dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, Công ty TNHH Guang Lian Steel đã trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 5, trong đó có việc giảm vốn dự án từ 3 tỷ USD xuống 2 tỷ USD.
Được cấp giấy phép từ năm 2006, nhà máy thép Guang Lian Dung Quất đã triển khai chậm tiến độ gần 10 năm, chủ yếu do năng lực tài chính hạn chế. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đánh giá điều chỉnh vốn sẽ "phù hợp với tình hình thực tế và khả năng thu xếp tài chính cho dự án".
Đất dự án thép Guang Lian bị biến thành bãi đất chăn thả bò trong thời gian chậm trễ triển khai. Ảnh: Trí Tín |
"Hiện nay, nếu đơn phương xử lý chấm dứt và thu hồi dự án sẽ không thuận lợi cho cả 2 bên - nhà đầu tư và cơ quan quản lý vì nhiều lý do khác nhau. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy cần phải xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 5 cho dự án nhằm tạo căn cứu pháp lý mới, xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại liên quan đến dự án", văn bản do Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi - Lê Viết Chữ nêu.
Nhằm chắc chắn khả năng triển khai, phía Quảng Ngãi cho biết sau khi có văn bản thẩm tra của các Bộ, ngành trung ương, tỉnh sẽ giao ban quản lý khu kinh tế Dung Quất làm việc trực tiếp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư để thảo luận và chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh sau khi công ty Guang Lian Steeel xuất trình hợp đồng tín dụng chính thức ký với ngân hàng.
Trước mắt, để chủ đầu tư có cơ sở đàm phán với các ngân hàng cho vay vốn, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất sẽ có văn bản chấp thuận các nội dung dự kiến được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 5. Trong thời gian tối đa 60 ngày kể từ khi nhận được văn bản này, nếu chủ đầu tư không cung cấp được hợp đồng tín dụng chính thức, dự án sẽ bị thu hồi.
Dự án thép Guang Lian được đầu tư bởi Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam, gồm các cổ đông là Tập đoàn E-United (Đài Loan) và Tycoons Worldwide Ground (Thái Lan), tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, trên diện tích 504 hécta, công suất 5 triệu tấn một năm. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua dự án luôn bị liệt vào danh sách những công trình triển khai chậm tiến độ do thiếu vốn.
Năm 2012, dự án có thêm sự tham gia của Tập đoàn JFE (Nhật Bản) và đề nghị nâng vốn lên 4,5 tỷ USD, song thủ tục điều chỉnh giấy phép đầu tư vẫn chưa hoàn tất thì JFE rút khỏi, trong bối cảnh Chính phủ đã bác hàng loạt đề xuất ưu đãi đối với dự án này.
Nhằm chấm dứt tình trạng chậm trễ kéo dài khiến hàng trăm hécta đất bỏ hoang, cuối năm ngoái tỉnh Quảng Ngãi đã có gửi văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư về phương án xử lý sau. Khi đó, ông Lê Viết Chữ cho hay nếu E-United có thiện chí tiếp tục triển khai dự án, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất sẽ hỗ trợ lập thủ tục để điều chỉnh giấy phép, nhưng nhà đầu tư phải cam kết bắt đầu thi công dự án trong tháng 6/2015.
"Trong trường hợp doanh nghiệp cứ trì hoãn kéo dài đến hạn cuối là tháng 6/2015 mà không triển khai dự án, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý thu hồi", ông Chữ nhấn mạnh.