23/04/2015 4:19 PM
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, nguyên nhân chính khiến dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất sau 9 năm vẫn chưa được đầu tư xây dựng là do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế. Nếu việc triển khai chậm tiến độ tiếp tục kéo dài, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chính thức “khai tử” đối với “siêu dự án” này theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trụ sở của nhà máy thép Guang Lian tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. Ảnh: VnExpress

Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 8/9/2006 và Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã có 4 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án. Cụ thể lần thứ nhất vào ngày 14/12/2006, lần thứ 2 vào ngày 12/10/2006, lần thứ 3 vào ngày 4/2/2008 và lần thứ 4 vào ngày 18/7/2008.

Tổng diện tích đất sạch tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao và hoàn thành thủ tục cho Dự án thuê đến thời điểm hiện tại khoảng 330,6 ha (chiếm trên 65% tổng diện tích đất của dự án), trong đó, diện tích đất nhà máy là 295 ha/478 ha (đạt 62%); cảng chuyên dùng 26,9ha (đạt 100%); nhà ở công nhân Bình Đông 6,2 ha/13 ha (đạt 47,7%); nhà ở Vạn Tường 3,3 ha/13 ha (đạt 25,4%). Ngoài ra, phần diện tích đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa làm thủ tục để bàn giao cho dự án là 38,6 ha. Như vậy, tổng diện tích đất hiện nay dự án có thể sử dụng ngay để xây dựng là 369,2 ha/504 ha (chiếm tỷ lệ 73,25%).

Năm 2011, Tập đoàn JFE (Nhật Bản) đến làm việc và đặt vấn đề hợp tác để cùng thực hiện Dự án này và nhận được ủng hộ rất cao từ phía tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc tại công văn số 3162/VPCP- QHQT ngày 8/5/2012. Tuy nhiên, sau hơn 2,5 năm nghiên cứu, Tập đoàn đã chính thức rút lui khi nhận thấy giá thép trên thị trường thế giới giảm mạnh so với giai đoạn bắt đầu nghiên cứu; khả năng cạnh tranh kém so với các dự án thép quy mô lớn triển khai trong khu vực lân cận.

Sau khi Tập đoàn JFE rút lui không tham gia Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất nữa thì Công ty TNHH Guang Lian Stell (Việt Nam) tiếp tục đệ trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 5 cho “siêu dự án” này; cùng với đó là tập trung đàm phán với các nhà cung ứng thiết bị và các ngân hàng cho vay vốn để cứu vãn vì không tự chủ được về năng lực tài chính.

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đưa ra lý do rằng, nếu đơn phương xử lý chấm dứt, thu hồi dự án trong giai đoạn khó khăn này sẽ gặp những khó khăn, bất lợi về phía Việt Nam. Vì thế, cần thiết phải tạo căn cứ pháp lý mới để xử lý dứt điểm vấn đề, xin ý kiến các cấp liên quan để có hướng xử lý phù hợp từng giai đoạn cụ thể. Mặt khác, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 5 cho “siêu dự án” này đòi hỏi chỉ được thực hiện khi công ty TNHH Guang Lian Stell (Việt Nam) xuất trình được hợp đồng tín dụng chính thức đã ký kết trực tiếp với ngân hàng. Trong khi đó, về nguyên tắc dự án này vẫn chưa đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đầu tư vốn.

Trước thực trạng đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, sẽ tham mưu cho tỉnh Quảng Ngãi ban hành văn bản chấp thuận về các nội dung được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 5 và nêu rõ trong thời gian chờ tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, nếu chủ đầu tư vẫn không cung cấp được hợp đồng tín dụng thì tỉnh có quyền đơn phương chấm dứt, thu hồi và xử lý theo quy định pháp luật, đồng nghĩa với việc “khai tử với “siêu dự án” nói trên.

"Siêu dự án" Nhà máy thép Guang Lian Stell có vốn đã góp và đã thực hiện đầu tư đến thời điểm 30/9/2014 khoảng 42 triệu USD (tương đương gần 760 tỷ đồng).

Chủ đề: Đầu tư lãng phí
Lê Phước Như Ngọc (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.