18/09/2013 1:05 PM
Sau 10 năm “đắp chiếu” vì vướng một hộ dân, dự án “Xây dựng trụ sở giao dịch - giới thiệu sản phẩm và kho” của Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Xuất khẩu Nguyễn Hoàng (xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) mà PLVN liên tục phản ảnh thời gian qua tưởng chừng đã có hồi kết “có hậu” khi hộ dân này “phút chót” đồng ý nhận tiền đền bù và tự nguyện di dời.

Thế nhưng, mới đây doanh nghiệp này lại tiếp tục phải đệ đơn lên các cơ quan chức năng xin “giải cứu” trước “điều kiện khó” của hai hộ dân khác có đất nông nghiệp mua bán trái phép nằm trong diện tích của dự án.

Khu đất dự án công ty Nguyễn Hoàng có nguy cơ tiếp tục bị "đắp chiếu" vì vướng GPMB

Dự án lại có nguy cơ “đắp chiếu”?

Theo trình bày của công ty Nguyễn Hoàng, thực hiện chỉ đạo của UBND Tp. Hà Nội và hướng dẫn của UBND huyện Từ Liêm, UBND xã Mỹ Đình, đến tháng 7/2013, công ty Nguyễn Hoàng đã hoàn thành việc thỏa thuận ký Hợp đồng chuyển nhượng với chủ sử dụng đất. Đến nay việc ký Hợp đồng chuyển nhượng đất đã hoàn thành và tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) đều đã được Công ty Nguyễn Hoàng thanh toán đầy đủ nhưng đến nay công ty vẫn chưa thực hiện được thủ tục để nhận bàn giao mặt bằng cho Dự án.

Nguyên nhân của việc chậm trễ này là do trên phần diện tích đất nhận chuyển nhượng hiện còn hai hộ gia đình là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng và hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Quang. Hai hộ gia đình này trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2008 (đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và tài sản trên đất của hai hộ khác). Việc mua bán này không được sự chấp thuận và xác nhận của chính quyền địa phương.

Khi thỏa thuận để ký Hợp đồng chuyển nhượng đất, theo hướng dẫn của UBND xã Mỹ Đình, công ty Nguyễn Hoàng chỉ thực hiện thỏa thuận với những người được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là chủ sử dụng đất hợp pháp của những thửa đất này. Thực tế ông Đạo và ông Quyết là hai chủ sử dụng đất hợp pháp đã ký hợp đồng, nhận tiền đền bù từ công ty Nguyễn Hoàng và nhiều lần bàn giao khoản tiền này cho bà Hằng và ông Quang nhưng cả hai ông, bà đều không nhận tiền và bàn giao đất cho công ty Nguyễn Hoàng”, ông Nguyễn Sĩ Cường, Phó giám đốc công ty Nguyễn Hoàng cho biết.

Ngày 27/7/2013 và ngày 01/8/2013 vừa qua, tại UBND xã Mỹ Đình, đại diện Công ty Nguyễn Hoàng đã làm việc với hộ gia đình bà Hằng, ông Quang và đưa ra đề xuất hỗ trợ các hộ gia đình này, mỗi hộ là 700 triệu đồng để các hộ gia đình này hợp tác và bàn giao lại mặt bằng cho Dự án. Tuy nhiên, đề nghị này cũng không được hai hộ gia đình này chấp nhận.

Trong đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng, bà Hằng và ông Quang đều khẳng định đất của mình là tài sản hợp pháp và yêu cầu công ty Nguyễn Hoàng phải bồi thường bằng đất với diện tích và vị trí tương đương, đồng thời yêu cầu bồi thường cả tài sản trên đất theo giá thị trường.

Chúng tôi không thể chấp nhận đề nghị này bởi trái với hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, trái với quy định về bồi thường đối với trường hợp mua bán đất nông nghiệp trái phép”, ông Cường khẳng định.

Cơ quan chức năng nói gì

Hai hộ bà Hằng, ông Quang đang sử dụng khoảng 150 m2 đất nằm trong khu vực dự án, vì vậy việc triển khai dự án này đang bị đình trệ.

Kiên trì vận động, giải thích chính sách, hồi tháng 6 vừa qua, Hội đồng GPMB huyện Từ Liêm đã thuyết phục được hộ ông Vũ Quang Suốt tự nguyện di dời, trả mặt bằng cho dự án công ty Nguyễn Hoàng

Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Nguyễn Văn Lâm, chủ tịch UBND xã Mỹ Đình cho biết việc ông Đạo, ông Quyết chuyển nhượng đất nông nghiệp cho bà Hằng, ông Quang không được chính quyền địa phương xác nhận.

Họ chỉ thực hiện mua bán bằng giấy tờ viết tay với nhau, thời điểm mua bán đã có quy hoạch của dự án công ty Nguyễn Hoàng, nếu họ qua xác nhận việc mua bán đất này tại xã thì chúng tôi đã hướng dẫn để họ ngừng việc giao dịch nhưng thực tế họ đã không qua làm thủ tục xác nhận tại xã. Vì vậy, khi kiểm đếm và làm công tác thỏa thuận đền bù GPMB, xã cũng như chủ đầu tư đều xác định ông Quang và bà Hằng không phải là đối tượng được đền bù”, ông Lâm khẳng định.

UBND xã Mỹ Đình đã từng lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng và ra các quyết định cưỡng chế đối với gia đình bà Hằng, ông Quang. Tuy nhiên, trên thực tế, suốt từ đó cho tới nay hai hộ gia đình này vẫn sinh sống trên diện tích đất nói trên và đến nay lại có yêu cầu được bồi thường GPMB thỏa đáng thì mới giao đất cho dự án.

Trao đổi với PLVN về sự việc này, ông Nguyễn Công Trình – Phó ban GPMB huyện Từ Liêm cho biết: “ Theo quyết định 5321/QĐ-UBND thì công ty Nguyễn Hoàng có 400m2 đất công ích và 678m2 đất chưa thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ gia đình đang sử dụng. Theo quyết định mà UBND huyện được phép GPMB theo đúng quy định thì không hề có diện tích sử dụng đất của hai hộ gia đình là ông Nguyễn Ngọc Quang và bà Nguyễn Thị Hằng. Để giải quyết phát sinh hai hộ này, công ty Nguyễn Hoàng phải báo cáo lên UBND TP. Hà Nội và khi UBND TP ra quyết định huyện Từ Liêm phải giải quyết hai trường hợp này thì Ban GPMB chúng tôi sẽ có trách nhiệm thực hiện tiếp”, ông Trình cho biết.

Cho đến thời điểm này UBND huyện Từ Liêm đã thực hiện xong công tác GPMB đến hộ ông Suốt là trường hợp cuối cùng. UBND huyện sẽ có văn bản báo cáo lên UBND Thành phố, trong đó nêu rõ trường hợp ông Quang và bà Hằng không thuộc đối tượng bồi thường GPMB trong quyết định 5321”, ông Trình nhấn mạnh thêm.

Hiện công ty Nguyễn Hoàng cũng đã có văn bản đề nghị UBND xã Mỹ Đình xử lý nghiêm sự việc theo quy định của pháp luật, trả mặt bằng cho công ty thực hiện dự án.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết UBND xã Mỹ Đình theo thẩm quyền của mình ( quy định tại nghị định 105 của Chính phủ) sẽ tiến hành lập hồ sơ về đất cũng như công trình trên đất, việc vi phạm trật tự xây dựng của hai hộ nói trên và sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Về phương án bồi thường GPMB, theo khoản 04 điều 07 của Quyết định 108/2009/QĐ-UBND, đến thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giấy tờ và quyền sử dụng đất mang tên người khác nhưng có việc mua bán, có chữ ký của hai bên mà tính đến thời điểm thu hồi đất, UBND xã khẳng định không có việc tranh chấp thì lúc đó mới tính mức bồi thường cho người mua. Tuy nhiên, QĐ 108 chỉ có thể áp dụng trong trường hợp hai bên: chủ đầu tư và người có đất đồng ý thỏa thuận phương án đền bù, trường hợp thỏa thuận không thành việc đền bù GPMB sẽ theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Hoàng Anh, công ty Luật SMiC thì trong trường hợp cụ thể của bà Hằng, ông Quang và dự án công ty Nguyễn Hoàng, nếu hai hộ dân và chủ đầu tư thỏa thuận được phương án đền bù GPMB là phương án có lợi nhất cho người dân bởi hai hộ dân đã thực hiện giao dịch mua đất nông nghiệp trong diện tích đã được TP quy hoạch để giao cho công ty Nguyễn Hoàng làm dự án. Việc mua bán không có xác nhận của chính quyền vì vậy không đảm bảo thủ tục pháp lý và được xem là mua bán không hợp pháp.

Chủ đề: Đền bù - Thu hồi
Quốc Huy - Anh Phương (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.