Dự án Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn được khởi công xây dựng năm 2009 tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; có tổng mức đầu tư 1.430 tỉ đồng, công suất 950.000 tấn/năm, do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (đóng tại TP Hà Nội) làm chủ đầu tư. Từng được kỳ vọng sẽ là "đầu tàu" thúc đẩy, làm thay đổi bộ mặt miền Tây Thanh Hóa nhưng sau 12 năm, dự án này vẫn "đắp chiếu", gây ra nhiều hệ lụy.
Thất vọng ê chề
Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2010. Tuy nhiên, khu đất có tổng diện tích gần 40 ha sau 12 năm vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm.
Phía bên phải con đường nhựa chạy qua khu đất này, nơi dự kiến đặt nhà máy, chỉ có những bức tường cao lút đầu người, bên trong toàn cây dại và một vài cái chòi đã hư hỏng, xiêu vẹo. Phía bên trái đường là khu nhà điều hành và nơi ở cho công nhân (có nơi đã xây dựng xong, nơi dang dở), cỏ dại mọc khắp nơi. Hầu hết các công trình này đã xuống cấp, hư hỏng, nhiều căn nhà mục nát. Thậm chí, khu nhà ở xây dựng dang dở còn biến thành trang trại gia súc.
Bà Phạm Thị Lan (ngụ thôn Hồng Sơn, xã Thúy Sơn) cho biết không chỉ bà mà hầu hết người dân sống trên địa bàn xã rất bất bình trước việc Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn bỏ hoang, trong khi cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. "Trước đây, khu vực này là cánh đồng lúa màu mỡ. Nghĩ dự án mở ra sẽ giúp người dân giải quyết việc làm nên chúng tôi rất đồng tình, sẵn sàng nhường đất, rốt cuộc giờ chỉ là bãi hoang. Mong chính quyền sớm cho thu hồi dự án, chứ để thế này thấy xót lắm" - bà Lan phản ánh.
Khu vực dự án Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn đang bị bỏ hoang
Ngoài việc phải nhường đất cho dự án, người dân xã Thúy Sơn còn rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi cả trăm người được công ty hứa hẹn sẽ nhận vào làm trong nhà máy rồi sau đó rơi vào cảnh thất nghiệp. Thậm chí, để được vào làm trong nhà máy, nhiều người còn bỏ cả việc ở những nơi đang làm ổn định. Có người mất cả trăm triệu đồng để đi học công nghệ sản xuất xi-măng. Nhưng rồi, họ cứ chờ hết năm này qua năm khác, kỳ vọng của người dân giờ là nỗi thất vọng.
Ông Lê Phúc Hành, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn, tỏ ra ngán ngẩm khi phóng viên nhắc tới nhà máy xi măng "đắp chiếu" này. Ông không nhớ địa phương đã bao nhiêu lần kiến nghị cấp trên có biện pháp thu hồi dự án.
"Ngoài những hệ lụy hiện hữu như đất "bờ xôi ruộng mật" để hoang hóa thì nhiều người chờ được vào nhà máy làm việc nay cũng đã luống tuổi. Có người lúc đó mới 38-40 tuổi, học xong chứng chỉ, chờ đợi nhà máy xi-măng hoạt động để đi làm nhưng tới nay đã ngoài 50 tuổi, cơ hội làm việc cũng đâu còn" - ông Hành thất vọng.
Kiến nghị thay dự án khác
Mặc dù "đắp chiếu" suốt 12 năm qua nhưng mới đây, chủ đầu tư Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn lại có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị tiếp tục được thực hiện xây dựng nhà máy và xin nâng công suất lên 2,5 triệu tấn/năm (gấp gần 3 lần công suất trước đó)! Việc này đã vấp phải sự phản ứng từ người dân xã Thúy Sơn và cả chính quyền xã, huyện.
Ông Lê Phúc Hành nhớ lại vào đầu tháng 2-2021, người của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long có về địa phương, gặp gỡ một số hộ dân để tìm hiểu tâm tư trước khi làm thủ tục đề nghị khởi động lại dự án. Dù vậy, tại các cuộc họp, các hộ dân đều kiến nghị cơ quan thẩm quyền sớm thu hồi dự án, chuyển sang lĩnh vực khác ít ảnh hưởng tới môi trường, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
"Chúng tôi đã lấy ý kiến tất cả người dân của 5 thôn sống trong bán kính 1 km, tất cả đều không đồng ý cho nhà máy xây dựng trở lại. Quan điểm của xã cũng vậy" - ông Hành nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Lặc, khẳng định huyện đã có rất nhiều văn bản báo cáo và kiến nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sớm thu hồi dự án. Ông Tuấn cho biết: "Quan điểm của huyện là không đồng ý, vì dự án nhà máy xi-măng này dừng quá lâu. Ngoài ra, theo quy hoạch chung đô thị trung tâm miền núi phía Tây Thanh Hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt thì vị trí nhà máy nằm giữa trung tâm đô thị, nơi tập trung đông dân cư, nguy cơ khói bụi trước mắt và ô nhiễm môi trường về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới đời sống người dân".
Lãng phí nguồn lực đầu tư
Theo UBND huyện Ngọc Lặc, việc dự án Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn triển khai đình trệ đã gây lãng phí nguồn lực đầu tư, quỹ đất sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới đời sống người dân xã Thúy Sơn, trong đó 206 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Họ là những người đã nhường đất ở, đất nông nghiệp để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Từ đó, người dân không có đất canh tác. Nhiều người từng đi học nghề để được làm việc trong nhà máy, giờ không có việc làm nên phải tìm các công việc khác để sinh sống, khiến đời sống khó khăn, thu nhập không ổn định.
-
Siêu dự án Bến En của Sungroup ở Thanh Hoá bị thu hẹp gần một nửa diện tích
CafeLand - Diện tích đất và mặt nước thực hiện dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En tại Thanh Hoá của Sungroup sau điều chỉnh còn 767,58ha; giảm gần một nửa so với diện tích được phê duyệt trước đó.
-
Thanh Hoá quy hoạch một xã rộng gần 3.000ha để phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp
Khu vực được quy hoạch có tổng diện tích 2.976,45ha, là trung tâm tổng hợp của vùng phía Nam huyện Ngọc Lặc.
-
Thành lập cụm công nghiệp 30ha tại huyện ven biển Thanh Hoá
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Hoằng Đông, huyện Hoằng Hoá. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam.
-
Thanh Hoá đặt mục tiêu giải phóng mặt bằng 686 dự án trong năm 2025
Theo kế hoạch, trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 686 dự án, trên địa bàn 26 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích cần giải phóng là 2.590,7ha.