Diện tích đất dự án khu giáo dục Nguyễn Trãi bỏ hoang suốt hơn 10 năm nay, ngay giữa khu vực hạ tầng phát triển sôi động của thủ đô Hà Nội.
Một dự án đầu tư đã qua nhiều cấp, ngành thẩm định, phê duyệt và cho ý kiến tiếp tục triển khai đầu tư với cả “rừng” văn bản liên quan, từ của lãnh đạo Hà Nội đến lãnh đạo Chính phủ, nhưng hơn 10 năm nay, chủ đầu tư vẫn không thể triển khai dự án do vướng một văn bản của Ban Cán sự Đảng TP. Hà Nội.
Suốt 3 nhiệm kỳ, dự án vẫn “treo”
Theo hồ sơ dự án, dự án khu giáo dục Nguyễn Trãi do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhân lực (Ladeco) đã được triển khai từ những năm 2005.
Năm 2006, tại Quyết định số 2212/QĐ-UBND ngày 15/12/2006, UBND tỉnh Hà Tây đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu giáo dục Nguyễn Trãi tại khu đất thuộc hai xã Kiến Hưng, Phú Lương (thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây); được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 4/6/2007); dự án đã được phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tổng diện tích 34 ha (340.034,2 m2) tại Quyết định số 2947/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 và sau đó, công ty đã thực hiện các thủ tục thỏa thuận chuyên ngành về cấp thoát nước, cấp điện, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường.
Khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội (theo Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008), dự án phải tạm dừng triển khai, chờ rà soát lại quy hoạch theo Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 5/9/2008 của Văn phòng Chính phủ.
Sau đó, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 5091/UBND-KH&ĐT (5/7/2010) gửi Văn phòng Chính phủ, đề nghị cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu giáo dục Nguyễn Trãi tại xã Kiến Hưng và Phú Lương (quận Hà Đông).
Ngày 23/8/2010, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5930/VPCP-KTN, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng khu giáo dục Nguyễn Trãi.
Công ty Ladeco đã hoàn thiện hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 4/3/2011 và sau đó đã xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 19/9/2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có Văn bản số 3252/QHKT-P4 nêu: “Thống nhất việc tiếp tục đầu tư dự án. Do khu đất có một số thay đổi về chức năng sử dụng đất theo quy hoạch, chủ đầu tư chủ động lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết, trình phê duyệt bảo đảm, phù hợp với quy hoạch mới”.
Yêu cầu chủ đầu tư lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết trình duyệt đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được duyệt và quy hoạch phân khu đô thị S4.
Ngày 28/3/2012, Công ty Ladeco có Văn bản số 62/CV-LADECO đề nghị thành phố xin điều chỉnh quy hoạch để bổ sung hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đề xuất của công ty đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, đưa dự án vào quy hoạch phân khu đô thị S4.
Tiếp đó, này 22/4/2016, liên Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo số 1975/BC-QHKT-KH&ĐT nêu rõ: “Đối chiếu với quy hoạch phân khu đô thị S4, thì đề xuất của chủ đầu tư cơ bản phù hợp với chức năng sử dụng đất”.
Tiếp đó, ngày 1/8/2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Báo cáo số 4211/QHKT-P4 về dự án đầu tư xây dựng Khu giáo dục Nguyễn Trãi tại quận Hà Đông, Hà Nội với nội dung đề xuất, kiến nghị: “Cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án tại khu đất 14 ha. Đối với các ô đất còn lại tổng diện tích khoảng 25 ha, cho phép Công ty Ladeco tiến hành các thủ tục triển khai lập dự án theo quy định của pháp luật…”.
Ngày 8/11/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo số 6152/ KH&ĐT-VT, đề xuất, kiến nghị: “giao Công ty Ladeco nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cả 39 ha...”.
Dù có đầy đủ các bước thủ tục theo quy định và thẩm định, hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn, có ý kiến đồng ý cho phép triển khai dự án của UBND Thành phố và Lãnh đạo Chính phủ, nhưng dự án vẫn không thể triển khai, do vướng một văn bản đầu năm 2017 của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội và tiếp tục “treo” cho đến nay.
Văn bản của Hà Nội có trái với chỉ đạo của Chính phủ?
Như trên đã nói, trong khi chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai các bước theo phê duyệt, thì ngày 21/1/2017, Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội có Báo cáo số 21-BC/BCS gửi Thường trực Thành ủy (do Bí thư Ban Cán sự Đảng thành phố Nguyễn Đức Chung ký), đề xuất Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương: “Giao UBND quận Hà Đông nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết khu đất diện tích khoảng 20 ha/34 ha với các chức năng sử dụng đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, cây xanh...”.
Với văn bản này, dự án với quy mô 34 ha đã được Chính phủ và các cấp, ngành cho phép chủ đầu tư triển khai, nay chỉ còn lại 14 ha của Khu giáo dục, còn 25 ha Khu phụ trợ phục vụ giáo dục (đất nhà ở, đất hỗn hợp, cây xanh và đường giao thông...) được đề xuất giao UBND quận Hà Đông nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, với chức năng như quy hoạch dự án đã được cập nhật trong quy hoạch phân khu S4.
Công ty Ladeco cho rằng, với văn bản đề xuất này, TP. Hà Nội có mục đích giao một phần quỹ đất dự án cho nhà đầu tư khác thanh toán dự án BT, điều này là không có căn cứ pháp lý, đi ngược lại và không dựa trên ý kiến tham mưu của các sở, ngành chức năng Hà Nội, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư dự án, trái với chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5930/VPCP-KTN, không có căn cứ pháp lý và có sơ suất về áp dụng, tuân thủ pháp luật.
Đáng chú ý, tại Văn bản số 548-TB/TU ngày 14/2/2017, thông báo kết luận về chủ trương thực hiện dự án, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự Đảng thành phố về chủ trương thực hiện dự án, lập quy hoạch chi tiết khu đất diện tích 14 ha có chức năng giáo dục, mà không kết luận chỉ đạo đối với Khu đất phụ trợ 25 ha theo kiến nghị của Ban Cán sự Đảng thành phố.
Do đó, Công ty Ladeco cho rằng, việc liên ngành Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường và UBND quận Hà Đông thống nhất đề nghị UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy giao Công ty Ladeco lập dự án, nghiên cứu, lập quy hoạch điều chỉnh khu đất giáo dục 14 ha, khu đất hỗn hợp nhà ở, cây xanh giao thông với tính chất phụ trợ giáo dục 25 ha là đúng pháp luật.
Theo đánh giá của Công ty TNHH Luật Đào và đồng nghiệp, dự án khu giáo dục Nguyễn Trãi thuộc đối tượng thẩm tra dự án đầu tư theo quy định tại Điều 47, Luật Đầu tư 2005.
Quá trình 15 năm chuẩn bị đầu tư, Văn phòng Chính phủ (thông báo ý kiến của Phó thủ tướng); các sở, ban, ngành; UBND tỉnh Hà Tây, UBND TP. Hà Nội đều thể hiện sự đồng thuận với đề nghị giao Ladeco thực hiện dự án.
Nhà đầu tư cũng đã nộp hồ sơ thẩm tra đầu tư theo quy định tại Điều 47, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP vào năm 2011.
Tuy nhiên, do dự án được triển khai trong thời kỳ chuyển giao địa giới hành chính, đồng thời pháp luật về đầu tư có sự thay đổi, nên việc thẩm tra bị gián đoạn; thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa được thực hiện, nhưng quá trình chuẩn bị đầu tư theo quy định của pháp luật chưa kết thúc.
Theo quy định của pháp luật về quy hoạch, việc điều chỉnh dự án phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị S4 là cơ sở, điều kiện để Ladeco tiếp tục triển khai dự án đầu tư. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư (năm 2014) cũng quy định về việc bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.
Như vậy, quá trình chuyển đổi Luật Đầu tư năm 2005 sang Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, chủ đầu tư dự án không vi phạm các quy định, quy trình về pháp luật đầu tư, ngược lại, là đối tượng chịu ảnh hưởng (thiệt hại cả về kinh tế và bị chậm cơ hội đầu tư) do sự kéo dài quá trình tiến hành các thủ tục đầu tư.
Do đó, nhà đầu tư rất cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và lợi ích chung của xã hội.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu làm rõ, báo cáo
Ngày 28/8/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7154/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 1/11/2020.
-
Loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai vào tầm ngắm thu hồi?
Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án “treo” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi t...
-
Vì sao dự án tái định cư bị "chê"?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3.11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bị bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết các dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 201...
-
VICEM xin tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “đắp chiếu” hơn chục năm trên đất vàng Hà Nội
Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM....