Dự án cải tạo nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào ngày 30/6/2015 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng chậm khiến dự án đang có nguy cơ “vỡ” tiến độ.
Dự án cải tạo nâng cấp cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (2 giai đoạn) dài 30 km có tổng mức đầu tư hơn 6,7 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đầu đã hoàn thành và giai đoạn 2 đang được triển khai với số tiền đầu tư hơn 4,75 tỷ đồng. Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được xây dựng hoàn chỉnh, với 6 làn xe (xây dựng thêm mỗi bên một làn xe) chiều rộng nền đường mở thành 33,5m. Đồng thời, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng, bề rộng nền đường gom là 6,5m.
Phương án được đưa ra để triển khai giai đoạn 2 đó là thi công trước đường công vụ 2 bên chuyên chở nguyên vật liệu, không mở hàng rào từ đường đã hoàn thành của giai đoạn 1 để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường. Tuy nhiên, khi thực hiện thi công, do chưa có mặt bằng nên việc triển khai đường công vụ không thực hiện được. Nhà đầu tư chỉ triển khai thi công lác đác vài điểm trên tuyến đường. Khu vực đơn vị có thể được nhiều máy thi công nhất là tại cầu Vạn Điểm và cầu Văn Điển vì có phần đất lưu không đã giải phóng mặt bằng trước đây.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, phụ trách hiện trường của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, hiện chỉ gói thầu 17 và gói thầu 13 đã được thi công, các gói thầu còn lại vẫn vướng mặt bằng chưa thể thi công đồng loạt toàn tuyến: “Với lực lượng máy móc, thiết bị, nhân công huy động tại công trường thì mặt bằng như vậy theo ước tính chỉ thực hiện được dưới 10% năng lực thi công. Hiện tại trên đoạn tuyến rất xôi đỗ, máy móc thiết bị không có đường công vụ để đưa vào nên việc này rất bất cập đối với nhà thầu và nhà đầu tư. Nếu không có sự chung tay của các cơ quan liên ngành thì theo đánh giá của tôi mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2017 rất khó khăn.”
Giai đoạn 2 của dự án cải tạo nâng cấp đường cao tốc cần thu hồi gần 883.000m2 ở 4 quận, huyện là Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, trong đó đất ở là 60.000m2. Huyện Thường Tín có diện tích đất giải phóng mặt bằng lớn nhất, hơn 600.000m2, tới nay, cắm mốc giới đã được hoàn thành, công tác thỏa thuận giá cả đền bù cũng như vận động người dân diễn ra rất thuận lợi. Tuy nhiên, do chính sách dồn điền đổi thửa trong thời gian qua và việc xác định chính xác chủ sở hữu của từng lô đất do chính quyền xã, huyện triển khai diễn ra rất chậm, khiến cho việc chi trả tiền đền bù và bàn giao mặt bằng không thể thực hiện.
Theo ông Phạm Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, nhà đầu tư đã ký hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất của Hà Nội tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng. Những phần nào là đất công giải phóng mặt bằng trước, sau đó sẽ giải phóng mặt bằng phần đất nông nghiệp, cuối cùng là phần đất thổ cư. Dự kiến tháng 6 toàn bộ phần đất nông nghiệp sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư kinh phí giải phóng mặt bằng đã chuẩn bị xong, chỉ chờ công tác đo đạc, áp giá đền bù. Riêng phần đất thổ cư cần xây dựng một số khu tái định cư, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã làm việc với nhà đầu tư để những khu vực đất thổ cư thi công sau, dự kiến đến tháng 9 mới có thể giải phóng mặt bằng hết.
Ông Phạm Thanh Bình nói: “Tháng 6 sẽ triển khai đồng bộ trên toàn dự án thì sẽ triển khai được khoảng 50%. Đến 7 tháng 3 Sở Tài nguyên Môi trường mới phê duyệt cắm mốc chỉ giới và công tác cắm mốc sẽ được thực hiện trong tháng 3 và đầu tháng 4 khi mốc lên tới 1700 mốc. Công tác khó khăn nhất vẫn là mặt bằng vì toàn bộ kinh phí chủ đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ và rất mong là được trả tiền giải phóng mặt bằng và không thiếu kinh phí”.
Dự án nâng cấp cải tạo cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội. Hoàn thành tuyến cao tốc này sẽ giúp việc lưu thông trên tuyến giao thông cửa ngõ phía Nam thành phố được thông suốt, giảm ách tắc.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Ban Giải phóng mặt bằng thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất các quận, huyện cần hoàn thành giải phóng mặt bằng vào ngày 30/6 để thực hiện dự án giao thông trọng điểm này. Tuy nhiên, nếu các đơn vị chức năng không vào cuộc một cách quyết liệt thì công tác giải phóng mặt bằng chậm được thực hiện, thì mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2017 sẽ khó thực hiện được./