Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 1 đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 1
Dự án mở rộng và nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT – tức là nhà đầu tư bỏ vốn ra để đầu tư xây dựng, sau đó kinh doanh thu hồi vốn bằng hình thức thu phí, hết thời gian hoàn vốn sẽ chuyển giao lại cho nhà nước.
Dự án do liên danh 3 nhà đầu tư là: Công ty CP Đầu tư Phát triển Minh Phát – Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1- Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành làm chủ đầu tư với tổng chiều dài 29km, điểm đầu tại Km 182+300, vị trí nút giao giữa đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3 Hà Nội; điểm cuối tại Km 211+256.
Tổng mức đầu tư cho toàn dự án là 6.731 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.974 tỷ đồng theo phương án cải tạo và nâng cấp mặt đường chính tuyến, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ đầu tháng 5/2015.
Sau hơn 8 tháng đưa vào khai thác giai đoạn 1, dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ được đánh giá là có vai trò rất quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao và nâng cao năng lực thông hành, cải thiện hệ thống giao thông đường bộ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 1.
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT và cam kết của Nhà đầu tư thì ngay sau khi giai đoạn 1 của dự án được đưa vào khai thác thì Nhà đầu tư sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 để nâng cao năng lực vận tải của tuyến đường huyết mạch phía Nam Thủ đô. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 33,5m. Đồng thời, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng, bề rộng nền đường gom là 6,5m. Thực hiện cam kết này, Liên danh nhà đầu tư đã đẩy nhanh các công việc triển khai, chuẩn bị nhân lực và vật lực cho giai đoạn 2 của dự án.
Ông Nguyễn Trọng Thảo – Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, hiện Liên danh nhà đầu tư đã đồng loạt triển khai thi công trên hầu hết các gói thầu của giai đoạn 2 dự án. Công trình cầu Vạn Điểm và cầu Văn Điển đã được khoan thi công móng, 6 gói thầu thi công đường cũng đã đồng loạt được triển khai. Tuy nhiên việc thi công hiện nay là khá cầm chừng, xôi đỗ và chỉ thực hiện được trên phần đất lưu không đã GPMB của giai đoạn 1 dự án.
Bộ phận kỹ thuật của dự án cũng cho biết: Phương án được đưa ra để triển khai thi công giai đoạn 2 đó là thi công trước đường công vụ 2 bên rộng 6,5 mét (đây cũng sẽ là đường gom sau khi dự án hoàn thành) để chuyển chở nguyên vật liệu, tuyệt đối không mở hàng rào từ đường đã hoàn thành của giai đoạn 1 để đảm bào an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trên đường.
Tìm hiểu nguyên nhân tại sao dự án lại phải thi công cầm chừng kiểu xôi đỗ thì được biết hiện khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) đang gặp rất nhiều khó khăn từ chính địa phương. Mặc dù việc quy hoạch và cắm mốc giới đã được hoàn thành, công tác thỏa thuận giá cả đền bù cũng như vận động người dân diễn ra rất thuận lợi. Tuy nhiên do chính sách dồn điền đổi thửa trong thời gian qua và việc xác định chính xác chủ sở hữu của từng lô đất do chính quyền xã, huyện triển khai diễn ra rất chậm, thậm chí đang bị bế tắc, khiến cho việc chi trả tiền đền bù và bàn giao mặt bằng không thể thực hiện. Ngoài ra khâu phê duyệt đền bù GPMB của các Sở ngành Hà Nội theo quy trình diễn ra khá chậm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dự án.
Ông Nguyễn Trọng Thảo tỏ ra hết sức sốt ruột: “Việc khó nhất trong GPMB là bố trí vốn và thỏa thuận chính sách đền bù thì Nhà đầu tư chúng tôi đã thực hiện được. Giá cả và chính sách đền bù chúng tôi đã thỏa thuận xong với xã, với huyện, với tuyệt đại đa số người dân và họ rất nóng lòng nhận tiền đền bù sớm. Chúng tôi cũng đã chuyển đầy đủ tiền đền bù vào kho bạc để sẵn sàng chi trả cho dân. Nhân lực và vật lực cho việc sẵn sàng triển khai thi công dự án cũng đã sẵn sàng nhưng vướng ở khâu giải phóng mặt bằng đã khiến chúng tôi không thể nào giải ngân tả tiền cho dân, không thể nhận bàn giao mặt bằng dẫn đến chúng tôi thi công rất cầm chừng ảnh hưởng lớn đến quyết tâm và cam kết của chúng tôi về tiến độ hoàn thành dự án. Chúng tôi tha thiết nhận được sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn giúp nhà đầu tư sớm có mặt bằng để triển khai thi công”.
Ông Thảo cũng khẳng định nếu có đủ mặt bằng sạch nhà đầu tư sẽ triển khai đồng bộ và giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành trong chỉ 15 tháng chứ không phải 30 tháng như đã cam kết.
Thiết nghĩ những dự án mang ý nghĩa kinh tế xã hội thiết thực đã được các cấp phê duyệt, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền đầu tư, người dân đồng tình ủng hộ thì cần phải nhanh chóng triển khai để đưa vào thực tiễn phục vụ cuộc sống. Muốn vậy, sự chung tay góp sức và vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành địa phương là điều tiên quyết và không thể thiếu.
Ông Phạm Văn Khôi – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành: Tôi cho rằng đối với các dự án hạ tầng đường sá đầu tư theo hình thức BOT cần phải có một chính sách đột phá trong việc GPMB, Khi dự án đã được các cấp phê duyệt, thiết kế tổng thể, cắm mốc chỉ giới và cấp phép xây dựng cũng như thỏa thuần chính sách và giá cả xong với dân thì sau khi nhà đầu tư đã nộp đầy đủ tiền đền bù thì nên giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư theo chỉ giới đã cắm mốc. Việc chi trả đền bù cho từng hộ dân sẽ do chính quyền địa phương thực hiện trên cơ sở quản lý đất đai của xã, của huyện và thành phố. |