Hòa cùng không khí “trăm hoa đua nở” của hàng loạt dự án nhà ở thương mại, chủ đầu tư công trình Diamond Blue (69 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng hối hả thúc đẩy bán hàng. Thông tin đưa ra rất mùi mẫn từ giá cả, diện tích, tiện ích, tiến độ lẫn các ông lớn nhà băng “hậu thuẫn”.

Về lý thuyết, hồ sơ pháp lý dự án gần như hoàn mỹ. Lại thêm bộ đôi NHTM (VPBank, MB Bank) làm “lá bùa” bảo đảm tiến độ thi công lẫn vay tiền thanh toán mua nhà. Nhưng người thạo BĐS lại nghĩ khác…

E ngại “tân binh”

Sơ bộ chi tiết về dự án lẫn sản phẩm căn hộ được công khai trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông từ cuối tháng 6. Theo đó, dự án do Liên danh Công ty CP Công trình và Thương mại Giao thông Vận tải (Traco) và Công ty CP Bất động sản HT làm chủ đầu tư.

Nằm trên khu đất hơn 2.500m2 (diện tích xây dựng chiếm 69,8%), Diamond Blue gồm 17 tầng nổi, 2 tầng hầm, trong đó 4 tầng khối đế dành cho văn phòng, nhà trẻ, trung tâm vui chơi, mua sắm cho cư dân. Từ tầng 5 - 17: khu căn hộ được quảng cáo là cao cấp với các diện tích từ 72 - 127m2. Giá bán dao động trong khoảng 17 - 19 triệu đồng/m2 đã gồm VAT (thời điểm tháng 7) và đang tạm “chững” trên thị trường thứ cấp.

Đầy đủ các loại giấy tờ bảo đảm cho việc mở bán (từ chấp thuận đầu tư tới GPXD, tiến độ đang đến tầng 2), dự án tạm trấn an khách hàng lẫn dân đầu tư không chuyên.

Tìm hiểu kỹ tại chân công trình một ngày đầu tháng 9, người viết cảm nhận được tâm thế bất an của nhiều Thượng đế “cắm chốt” ở dự án. Theo đó, họ đều có dự cảm… mong manh dễ vỡ về năng lực lẫn kinh nghiệm thực tế của liên danh chủ đầu tư.
Cụ thể, là dấu hỏi về “tân binh” Traco đối với chiến trường đòi hỏi sự dài hơi cả về tài lực lẫn vật lực như BĐS nhà ở thương mại Thủ đô.

Trước hết, tên giao dịch của DN này rất dễ gây nhầm lẫn với Công ty CP Vận tải 1 Traco, vốn được biết đến là “anh cả” trong ngành logistics Việt Nam. Tiền thân là DNNN trực thuộc Bộ GT-VT, Vận tải I Traco được chính thức cổ phần hóa từ năm 1999 với mảng ngành nghề “chuyên” logistics.

Trong khi đó, thông số về Công ty CP Công trình và thương mại GT-VT lại rất… hiếm. Anh Thắng, một dân chơi chứng khoán phân tích: đơn vị này mới chỉ chào sàn OTC gần 2 năm qua và gần như không có sức hút. Trên trang web otcmarket.vn, Công ty CP Công trình và Thương mại GTVT được giới thiệu mảng hoạt động rất rộng: kinh doanh và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đại lý mua bán ký gửi hàng hóa, giới thiệu việc làm (?!), kinh doanh tạo lập BĐS, thiết kế cầu đường…

Dimond Blue bao giờ mới trở thành “Kim cương xanh” trong mắt người mua?

Đáng nói, đây cũng là đơn vị được cổ phần hóa từ DNNN (năm 2004). Trong giới làm nghề xây dựng, công ty này chỉ chuyên xây dựng các công trình giao thông cầu - đường, công nghiệp, thủy lợi với một số dự án tiêu biểu ở ĐBSCL, như tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến nam Sông Hậu, Cầu Cần Thơ...

Khó hiểu hơn nữa, các chỉ báo tài chính liên quan tới đơn vị “bỗng” rẽ ngang vào tạo lập nhà ở này gần như không có. Trên trang vinacorp.vn, thông tin về doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận, vốn đầu tư chủ sở hữu của Traco từ năm 2011 đến nay đều “trắng”. Có chăng, chỉ vỏn vẹn vốn điều lệ được công khai 23,4 tỷ đồng.

HT Land - lạ gì!

Sát cánh cùng Traco trong liên danh chủ đầu tư, là Công ty CP BĐS HT Land vốn “nhẵn mặt” trong hàng ngũ các đơn vị trung gian, đầu tư BĐS ở Hà thành nhiều năm qua. Hiện tại, website chính thức của HT Land cho thấy DN này đang xúc tiến bán hàng cho nhiều dự án “hót” trên địa bàn Hà Nội. Có thể điểm nhanh: dự án 89 Phùng Hưng, CT3 Tây Nam Linh Đàm… Tuy vậy, bản thân không ít môi giới “có tâm” lẫn những khách hàng thạo BĐS Hà Nội như lòng bàn tay vẫn… lăn tăn về HT Land trong liên minh này.

Trước tiên, HT Land khó tạo sự an tâm cho khách hàng về cái gọi là năng lực “tạo lập BĐS”. Đơn vị này vốn chỉ thạo nghề môi giới, trung gian tư vấn địa ốc từ 3 - 4 năm trở lại đây. Bỗng chốc khoác trên mình “tấm áo” chủ đầu tư, HT Land lập tức bị dư luận “soi” lại vết chàm năm 2011.

Mọi chuyện bắt nguồn từ… 3 năm trước, thời điểm bùng nổ các dự án, chủ đầu tư đua nhau sa vòng lao lý. HT Land cũng vướng vào một trong số nhiều dự án bị cơ quan pháp luật “sờ gáy” là CT1, CT2 Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội).
Chuyện rằng nhiều khách hàng đã tham gia góp vốn, đặt cọc mua nhà tại C1, CT2 quay ra “tố” AZ Land (nhà đầu tư thứ cấp) huy động vốn trái phép khi dự án chưa “động đậy” gì. Hàng trăm Thượng đế trẻ đã lao vào các căn hộ có giá cực kỳ hợp lý thời điểm 2010 (1 tỷ đồng/căn) và sẵn sàng bỏ vài triệu đồng tiền chênh cho mỗi mét vuông để kỳ vọng chốn an cư.

Vấn đề ở chỗ, HT Land là một địa chỉ thu tiền chênh (200 - 400 triệu đồng) được AZ Land chỉ định. Đến lúc xảy chuyện, khách hàng rồng rắn tìm tới trụ sở HT Land (Trung Yên, Cầu Giấy) thì đơn vị này đóng cửa tạm ngừng mọi giao dịch 1 tháng (tháng 8/2011). Trong khi AZ Land lại “sút bóng” về phía môi giới (HT Land là một trong số đó - PV): tiền chênh lệch nhà đầu tư tìm môi giới mà đòi….

“Những người muôn năm cũ” - nạn nhân trong vụ mất tiền ở Vân Canh giờ chắc hẳn lại được dịp nhớ lại “quả đắng” ngày ấy. Cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đã khó, đối phó với dư luận khách hàng còn nhọc nhằn hơn. Dimond Blue bao giờ mới trở thành “Kim cương xanh” trong mắt người mua?!

Nguyễn Cảnh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.