Không phải tự nhiên, HT “dám” tự phong vai trò nhà đầu tư hay đơn vị phân phối độc quyền bán hàng dự án trong thời gian năm 2015 mới đây. Cơ sở tài liệu cho thấy, HT “từng” được trao quyền tại dự án. Nhưng…
Định hình pháp nhân
Tháng 4/2014, theo đề nghị của Traco, Liên danh chủ đầu tư Traco-CCI ký “Thỏa thuận chuyển giao thực hiện Dự án” số 18/2014/TTCG với công ty CP BĐS HT (sau đây gọi là HT) để chuyển giao thực hiện tiếp dự án. Thời gian thực hiện Thỏa thuận chuyển giao là 90 ngày.
Trong quá trình thực hiện, do HT không thực hiện được yêu cầu của các bên và không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với pháp luật, ngày 4/11/2014, chủ đầu tư Traco-CCI đã họp với HT và quyết định thanh lý Thỏa thuận chuyển giao số 18/2014/TTCG. Theo đó, tất cả các thỏa thuận trước đó, các Giấy ủy quyền thực hiện Thỏa thuận số 18 đều không còn giá trị.
Tại ngày 27/12/2014, ba Bên Traco, CCI và HT ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HTKD/Traco-CCI-HT (hợp đồng HTKD số 01) để triển khai xây dựng tiếp dự án. Theo đó, HT sẽ “tự ứng vốn thi công xây dựng tiếp công trình”; hết quý I/2015, HT phải nộp 100% tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước; HT cam kết hoàn thành tiến độ xây dựng công trình đến quý I/2016 bàn giao nhà hoàn thiện cho khách hàng. Thực tế, tại thời điểm hiện tại, công trình vẫn chỉ “chấp chới” ở sàn tầng 10.
Tham chiếu ở nội dung này, rõ ràng, HT đã không hoàn thành cam kết tiến độ xây dựng với các bên liên quan. Đặc biệt, giả thiết tồn tại các bản hợp đồng mua bán căn hộ có nêu nội dung tiến độ bàn giao là quý I/2016 và đứng tên HT phần bên Bán, thì trách nhiệm của HT là không thể tránh khỏi.
Theo báo cáo giải trình quá trình hợp tác đầu tư của CCI trong dự án (gửi Sở Xây dựng Hà Nội và Thanh tra Sở Xây dựng) thời điểm 19/12/2015 đã lộ ra nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhà đầu tư HT trong quá trình thi công, bán hàng dự án.
Khởi đầu quá trình “trượt dài” của HT (chưa bàn tới vai trò, trách nhiệm liên quan trực tiếp của Traco) trong mối lương duyên ba nhà Traco-CCI-HT, là phương án “phù phép” văn bản ủy quyền thực hiện Thỏa thuận chuyển giao số 18 năm 2014.
Cụ thể, CCI khẳng định bất chấp việc thanh lý Thỏa thuận chuyển giao 18 (đồng nghĩa các Giấy ủy quyền thực hiện Thỏa thuận này đều không còn giá trị) ngày 4/11/2014, HT đã “cố tình sửa chữa lại Giấy ủy quyền số 130/GUQ ngày 17/5/2014 đã hết hạn sử dụng để dùng vào việc huy động vốn và bán nhà cho khách hàng của dự án”.
Dự án Diamond Blue tại 69 Triều Khúc
Coi thường pháp luật?
Chi tiết, bản gốc (CCI cung cấp) Giấy ủy quyền số 130/GUQ ngày 17/5/2014 (Căn cứ Thỏa thuận chuyển giao số 18) nêu rõ, HT (bên nhận ủy quyền) sẽ thay Traco (bên ủy quyền) thực hiện giai đoạn 1 các nội dung: trực tiếp tổ chức và thi công xây lắp công trình theo thiết kế đã được duyệt; triển khai công tác chuẩn bị thị trường, tiếp thị, quảng cáo để bán sản phẩm của Dự án (khác với việc được phép bán hàng trực tiếp với dự án như HT từng quảng cáo – PV).
Thời hạn ủy quyền bắt đầu từ ngày hai Bên cùng ký vào Giấy ủy quyền này (17/5/2014) cho đến khi hoàn thành xong công việc Ủy quyền trong thời hạn 45 ngày. Trong khi đó, ở bản “đã bị sửa chữa”, tất cả nội dung nguyên bản đều được sao y, ngoại trừ thời hạn Ủy quyền không còn con số 45 ngày.
Được biết, “phiên bản 2” giấy ủy quyền số 130/GUQ nêu trên từng được “sử dụng” làm cơ sở pháp lý bán hàng trong một số giao dịch được xác lập giữa HT và người mua nhà thời gian 2015 vừa qua.
Theo đơn tố cáo của người mua nhà, HT có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo khách hàng khi lợi dụng danh nghĩa Chủ đầu tư, sử dụng Giấy ủy quyền đã hết thời hạn và sửa chữa lại để huy động vốn, bán nhà cho khách hàng.
Nối dài “vết xe đổ” là nhiều hoạt động của HT trong quá trình thực hiện Hợp đồng HTKD số 01. Rõ nhất, sự cố các dầm chịu lực chính thời điểm tháng 6/2015, HT và Traco đã không thuê Tư vấn kiểm tra, kiểm định sự cố; không thực hiện khắc phục sự cố công trình mà vẫn tiếp tục thi công nâng thêm ba tầng, ảnh hưởng đến an toàn thi công, an toàn chịu lực và chất lượng công trình – các văn bản báo cáo của Ban QLDA, HT, Biên bản làm việc ba Bên đều nêu rõ.
Việc này, theo quan điểm của CCI là “nhằm lợi dụng việc có hoạt động xây dựng để bán nhà và thu tiền trái quy định, sử dụng tiền sai mục đích phục vụ cho công trình”.
Ngoài ra, căn cứ hồ sơ tài liệu, HT (và Traco) bị “tố” không thực hiện đúng tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước – dẫn đến bị cơ quan Thuế ra quyết định cưỡng chế nộp tiền sử dụng đất (tháng 7/2015) .
Chưa hết, HT còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh doanh BĐS khi yêu cầu khách hàng mua căn hộ phải nộp tiền chênh từ 100 – 150 triệu đồng/căn tùy vị trí mới được ký hợp đồng mua nhà…