Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động trong năm 2021.
Đổi “đề bài”
Theo thông tin trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia (muasamcong.vn), kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung cho thấy, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có 4 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị hơn 318 tỷ đồng. Đó là gói thầu Thiết bị chẩn đoán hình ảnh và nội soi (97,331 tỷ đồng), gói thầu Thiết bị xét nghiệm (93,832 tỷ đồng), gói thầu Thiết bị siêu âm và phòng mổ (91,112 tỷ đồng) cùng gói thầu Thiết bị chuyên dụng (35,745 tỷ đồng).
Cả 4 gói thầu kể trên đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (BQLDA) thông báo mời thầu lần đầu có thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 26/6 đến 17/7/2020. Tuy nhiên, trong khi các nhà thầu mua hồ sơ mời thầu và chuẩn bị hồ sơ dự thầu thì ngày 14/8/2020, BQLDA (bên mời thầu) liên tiếp phát đi 4 thông báo về gia hạn thời gian đóng/mở vì có các điều chỉnh, bổ sung hồ sơ mời thầu. Theo đó, thời gian phát hành hồ sơ mời thầu, thời gian đóng/mở thầu tới 14h ngày 27/8/2020.
Kèm theo các thông báo đó, bên mời thầu phát hành hồ sơ mời thầu bổ sung cho cả 4 gói thầu trên. Qua đối chiếu, các bộ hồ sơ mời thầu bổ sung có rất nhiều thay đổi trong đề bài thầu. Những thay đổi này phần lớn về cấu hình các loại thiết bị y tế trong danh mục mua sắm của các gói thầu và ở mức độ thay đổi rất cơ bản.
Thay đổi trên đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ nhiều nhà thầu. Bởi lẽ, theo nhà thầu, việc áp tiêu chí cấu hình thiết bị y tế mới trong hồ sơ mời thầu tạo ra sự hạn chế và định hướng thầu, làm thay đổi hẳn cục diện cuộc đấu thầu.
Ngày 17/8/2020, nhà thầu ĐD (đề nghị giấu tên) có trụ sở tại TP.HCM đã có Công văn số 79/2020/CV gửi các cơ quan hữu trách như Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, BQLDA tỉnh Tiền Giang và nhiều cơ quan báo chí, nêu thắc mắc và những bất hợp lý trong các nội dung thay đổi cấu hình, tính năng kỹ thuật thiết bị y tế mời thầu Dự án Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang.
Trong công văn trên, nhà thầu ĐD cho rằng, các thay đổi về tiêu chí cấu hình thiết bị dẫn tới tình trạng hạn chế, định hướng thầu. Đáng ngại hơn, sau khi điều chỉnh, cấu hình thiết bị y tế thay đổi rất nhiều so với cấu hình thiết bị đã được thẩm duyệt ban đầu về cả giá lẫn tính năng sử dụng. Do đó, thay đổi cơ bản nội dung lựa chọn nhà thầu.
Nhà thầu ĐD kiến nghị các cơ quan hữu trách xem xét, xác định việc thay đổi hồ sơ mời thầu như vậy có vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu hay không.
Có định hướng thầu?
Luật Đấu thầu không cấm việc thay đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu, nhưng việc thay đổi chỉ nhằm mục đích bổ sung, làm rõ các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, chứ không được thay đổi yêu cầu, tiêu chí có tính chất trọng yếu. Trường hợp cần thay đổi căn bản có tính chất trọng yếu thì chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc phải hủy thầu và thực hiện lại các bước lựa chọn nhà thầu, hoặc phải gia hạn, nhưng phải thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục thẩm duyệt cấu hình, duyệt dự toán thiết bị cần mua sắm.
Trong văn bản gửi Báo Đầu tư, nhà thầu ĐD nêu hàng loạt nội dung của hồ sơ mời thầu trước và sau điều chỉnh bộc lộ những dấu hiệu bất thường, có tính định hướng cho hãng cung cấp cụ thể. Cấu hình, tính năng, thông số kỹ thuật các thiết bị trong 4 hồ sơ mời thầu bổ sung gần như có tính chất chỉ định cho model của hãng sản xuất nào đó.
Đơn cử, tại gói thầu Thiết bị chẩn đoán hình ảnh và nội soi, hồ sơ mời thầu yêu cầu hệ thống X quang kỹ thuật (DR), 2 tấm biến với mức giới hạn phát, lọc số lượng tia, tiêu điểm ảnh đều là thông số định hướng cho hãng Canon; máy chụp nhũ ảnh kỹ thuật số (DR) có các yêu cầu về trữ lượng nhiệt Anode, góc đích Anode, tiêu điểm nhỏ, tiêu điểm lớn, đường kính Anode, vận hành định hướng cho hãng GE Healthcare…
Đáng ngại là, theo nhà thầu trên, hồ sơ mời thầu sau khi điều chỉnh đã sửa đổi nhiều nội dung, làm thay đổi hoàn toàn chủng loại, đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng thiết bị đã được thẩm định, phê duyệt trước đó của Bộ Y tế tại Văn bản số 02/BB-TB-CT ngày 12/1/2019 cũng như UBND tỉnh Tiền Giang. Điều này làm thay đổi tính chất và phạm vi cung cấp các gói thầu.
Để tìm hiểu sự việc, ngày 27/8/2020, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang (cấp quyết định đầu tư) và BQLDA. Rất tiếc, chúng tôi không thể gặp cả lãnh đạo tỉnh và BQLDA để tìm hiểu thông tin. Báo Đầu tư chỉ nhận được lời hứa hẹn “trả lời sau”, mà không có ấn định thời gian cụ thể.
Nhằm tìm hiểu mức độ minh bạch của các cuộc thầu, 14h ngày 27/8, phóng viên Báo Đầu tư tới trụ sở BQLDA để đăng ký tham gia lễ đóng/mở 4 gói thầu thiết bị nêu trên. Tuy nhiên, chúng tôi không vào được, vì lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo BQLDA “cấm cửa” phóng viên tham gia, mặc dù theo tinh thần Luật Đấu thầu, việc đóng/mở thầu là công khai, minh bạch.
Trong một diễn biến liên quan, Cục Quản lý Đấu thầu đã có 2 văn bản gửi nhà thầu ĐD và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang. Các văn bản này nêu rõ, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu và nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cục đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang xem xét, xác minh các kiến nghị của nhà thầu ĐD và giải quyết triệt để tồn tại, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, tránh tính trạng khiếu nại, kiến nghị kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả của các gói thầu.
Theo nội dung phản ánh của nhà thầu ĐD là có nhiều bất cập, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng và nhà thầu này có văn bản làm rõ, nhưng không nhận được văn bản trả lời. Cục Quản lý Đấu thầu đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang xem xét, xác minh nội dung phản ánh của nhà thầu ĐD và giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, tránh tình trạng khiếu nại, kiến nghị kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả của gói thầu. Công văn số 1588/QLĐT-CS ngày 27/8/2020 của Cục Quản lý đấu thầu |
-
Tập đoàn Đèo Cả muốn đầu tư cao tốc Tiền Giang - Đồng Tháp
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DEOCA Group) đã có buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp và thể hiện mong muốn được đầu tư vào dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh nối Tiền Giang với Đồng Tháp theo hình thức PPP (đối tác công - tư), theo ông Trần Trí Quang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp.
-
Tiền Giang phấn đấu khởi công Khu tái định cư thuộc dự án cầu hơn 5.000 tỉ đồng trong năm nay
Dự án khu tái định cư phục vụ công trình cầu Rạch Miễu 2 tại Tiền Giang đang được đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công trong năm 2024.
-
Tin vui về nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam sau quyết định mới của UBND tỉnh Tiền Giang
UBND tỉnh Tiền Giang vừa phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư khai thác mỏ cát san lấp Hòa Hưng 4 với trữ lượng hơn 1,8 triệu m3. Đây là mỏ cát trên sông thứ hai được tỉnh này cấp phép khai thác lại sau 12 năm...
-
Cập nhật tiến độ cây cầu hơn 6.800 tỉ nối Bến Tre với Tiền Giang
Cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Cây cầu có tổng vốn đầu tư hơn 6.800 tỉ đồng là hạ tầng giao thông quan trọng có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế, kết nối giao thông của khu vực Đồng bằng s...