12/10/2024 3:44 PM
Các chuyên gia phân tích của Shinhan Securities cho rằng, nhiều điều kiện thuận lợi đã xuất hiện để dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới. Trong đó, tỷ giá, lãi suất, thanh khoản của nền kinh tế và định giá hấp dẫn của thị trường Việt Nam sẽ là những yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn.

Vào ngày 18/9/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cắt giảm lãi suất 0,5%, xuống còn 4,75% - 5%, đánh dấu lần cắt lãi suất đầu tiên kể từ năm 2022.

Dòng vốn ngoại đang quay trở lại thị trường Việt Nam sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Fed có thể sẽ hạ lãi suất thêm 0,5% nữa trong quý 4/2024

Fed quyết định giảm lãi suất vì tin rằng lạm phát ở Mỹ đã được kiểm soát. Chỉ số PCE, một thước đo đo lường lạm phát của Fed, trong tháng 9 năm 2024 chỉ tăng 2,37% giảm so với mức 2,65% trong tháng trước. Việc Fed giảm lãi suất là tín hiệu tích cực cho các thị trường mới nổi, đặc biệt là các nền kinh tế có nội tại vững chắc.

Ngay tuần sau khi quyết định hạ lãi suất của Fed, Trung Quốc cũng bắt đầu hạ lãi suất trong nước. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất cho vay thế chấp nhà, một biện pháp kích cầu mạnh tay để hồi phục tăng trưởng kinh tế. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite tăng 12% trong tuần cuối tháng 9.

Công ty Chứng khoán Shinhan Securities cho biết, biểu đồ dot plot của Fed cho thấy lãi suất được đánh giá sẽ tiếp tục giảm thêm 0,5% nữa trong quý 4/2024 và 1% trong năm 2025.

Dòng vốn ngoại đang quay trở lại thị trường Việt Nam sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed?- Ảnh 2.

Kỳ vọng dòng vốn trở lại thị trường mới nổi

Các nước thuộc thị trường mới nổi đều chờ đợi hành động từ Fed. Mặt bằng lãi suất của các nước thuộc thị trường mới nổi tăng và giảm tương ứng theo điều chỉnh lãi suất của Fed.

Khi Fed tăng lãi suất từ tháng 3/2022, các nước thuộc thị trường mới nổi cũng lần lượt tăng lãi suất của mình. Và khi Fed bắt đầu ngừng tăng lãi suất từ tháng 8/2023, các nước cũng bắt đầu cũng giữ mặt bằng lãi suất trong nước của mình đi ngang để chờ đợi Fed.

Một số nước đã điều chỉnh lãi suất của mình trước khi Fed bắt đầu công bố giảm lãi suất vào tháng 9/2024 như Mexico, Brazil. Ở Châu Á, Indonesia cũng đã điều chỉnh lãi suất trong nước từ tháng 8/2024. Các nước khác trong khu vực được kỳ vọng sẽ điều chỉnh lãi suất trong nước giảm dần vào quý 4/2024 và năm 2025.

Theo Shinhan Securities, dòng vốn đầu tư được kỳ vọng sẽ chảy lại vào thị trường mới nổi (EMs). Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, dòng vốn đầu tư bị rút khỏi các quỹ ETF đầu tư ở thị trường EMs. Ngoại trừ vào thời điểm cuối năm (tháng 12) và đầu năm (tháng 1), khi các quỹ phân bổ lại tài sản đầu tư, dòng vốn chảy vào các quỹ tại thời điểm đó cao đột biến. Còn lại dòng vốn trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024 chảy vào các quỹ ETF rất thấp.

Tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm tháng 8, dòng vốn bắt đầu quay trở lại vì nhà đầu tư kỳ vọng vào động thái hạ lãi suất của Fed. Lãi suất hạ, dòng vốn sẽ được khuyến khích tìm kiếm những tài sản cho lợi nhuận cao sau thời gian dài nằm ở các tài sản an toàn.

Dòng vốn ngoại đang quay trở lại thị trường Việt Nam sau động thái của Fed?

Đà bán ròng đã chững lại trong tháng 8 khi các vấn đề được Nhà Nước kiểm soát tốt. Khối ngoại mua ròng ngay vào tuần FED công bố cắt lãi suất.

Dòng vốn ngoại đang quay trở lại thị trường Việt Nam sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed?- Ảnh 3.

Trong tháng 9, bán ròng của khối ngoại chỉ khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó, tính riêng cổ phiếu VIB đã bị khối ngoại bán ròng khoảng 2.750 tỷ đồng. VIB đã thông qua quyết định hạ tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99% trong đầu năm 2024. Cổ đông ngoại lớn nhất của VIB là Common Wealth Bank đã hạ tỷ lệ sở hữu của mình trong tuần cuối tháng 9.

Các chuyên gia phân tích của Shinhan Securities cho rằng, nhiều điều kiện thuận lợi đã xuất hiện để dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Trong đó, tỷ giá, lãi suất, thanh khoản của nền kinh tế và định giá hấp dẫn của thị trường Việt Nam sẽ là những yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.