19/08/2022 10:59 AM
Sốt đất đi qua đã để lại nhiều bài học đắt giá cho các nhà đầu tư tay ngang, thiếu kinh nghiệm. Trong thời điểm dòng tiền đổ vào bất động sản bị hạn chế, các nhà đầu tư cũng “kỹ tính” hơn khi quyết định chốt giao dịch.

Hình minh họa.

Anh Lý Chương – một môi giới chuyên căn hộ ký gửi – cho biết quá trình tư vấn cho khách càng ngày càng khó khăn.

“Khách ngày càng ít cũng lo, mà gặp khách khó tính quá cũng lo. Giờ mỗi lần đưa khách đi xem là phải chuẩn bị đủ mọi giấy tờ, mọi câu trả lời cho khách, từ pháp lý tới chủ đầu tư, từ hướng nhà cho tới thời gian, thủ tục bàn giao,… Mà đa phần xem xong khách đều từ chối khéo”, anh Chương tâm sự.

Anh Chương không ngại tư vấn kỹ cho khách hàng, nhưng nếu khách càng hỏi nhiều thì ít nhiều sẽ lộ ra những mặt hạn chế của sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ chốt giao dịch càng giảm xuống nếu thời gian tư vấn càng kéo dài.

“Cảm giác bây giờ khách đầu tư chỉ sợ lỗ, chỉ tập trung vào điểm trừ chứ không quá tin vào tiềm năng của sản phẩm. Nếu dùng lời lẽ “bay bướm” quá thì khách không tin, mà đưa thông tin thực quá nhiều thì bất lợi cho người bán”, anh Chương chia sẻ.

Anh Chương dẫn lại câu chuyện của một người đồng nghiệp, vì nôn nóng thực hiện giao dịch nên mất khách, mất uy tín. Người này môi giới một căn hộ ký gửi ở quận 8 (TP.HCM) của một nhà đầu tư dòng căn hộ chung cư. Căn hộ được mua bằng đòn bẩy tài chính nên hợp đồng giao dịch của căn hộ đang được thế chấp trong ngân hàng.

Nam môi giới trẻ lo sợ thông tin này khiến quá trình giao dịch khó khăn nên đã không chủ động cung cấp cho khách hàng mà đợi đến khi tiến hành giao dịch mới thông báo. Kết quả là khách hàng không chấp nhận điều khoản của chủ nhà, chấm dứt giao dịch và chấp nhận mất cọc.

Anh Chương khuyên những môi giới mới vào nghề cần cẩn trọng hơn trong cách tư vấn để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, tránh mất uy tín của bản thân cũng như công ty.

Môi giới cần cẩn trọng hơn trong cách tư vấn để mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng (Hình minh họa).

Trong vai trò người đi mua, chị K. cho rằng với các giao dịch lớn như mua nhà, mua xe thì phải suy tính kỹ càng. Chị K. cho biết người thân của mình từng là nạn nhân của các chiêu trò “thổi giá”, “sốt đất” nên mình càng phải tỉnh táo hơn.

“Bây giờ mua đất mua nhà không thể dựa hoàn toàn vào môi giới được, tự bản thân mình phải bỏ công sức ra nghiên cứu nếu không sẽ rơi vào cảnh “chôn tiền xuống đất”. Các thông tin về dự án, chủ đầu tư hoàn toàn có thể tìm hiểu trên mạng, phải trang bị đầy đủ kiến thức thì mới ít chịu thiệt”, chị K. chia sẻ.

Theo chị K. đầu tư bất động sản là bài toán dài hạn, không chỉ nhìn lợi nhuận trước mắt hay bị cuốn theo phong trào mà thực hiện các giao dịch nóng vội.

“Trước đây, việc vay vốn dễ dàng nên người người ồ ạt đi mua đất tích trữ. Đến giờ lãi suất tăng cao, bất động sản lại khó bán, những nhà đầu tư phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính, thiếu tiềm lực thật sẽ phải chịu lỗ, từ đó thoát hàng, xả hàng để bảo đảm vốn bỏ ra”, chị K. nhận định.

Chị K. này cho rằng làn sóng xả hàng vừa là cơ hội để các nhà đầu tư có tiềm lực thật thâu tóm các sản phẩm tốt với giá rẻ, nhưng cũng là thách thức khi phải lựa chọn kỹ lưỡng hàng tốt. Nhà đầu tư lâu năm cho rằng hiện tại giá đất tuy đã giảm nhưng vẫn neo ở mức cao, mỗi giao dịch vẫn cần tính toán về thời gian hoàn vốn và mức lời nhất định.

Phát biểu tại một hội nghị bàn luận về bất động sản, ông Nguyễn Đức Quân, Phó tổng giám đốc Nam Land, cho rằng khi siết tín dụng, tâm lý nhà đầu tư sẽ chi “tiền tươi thóc thật” nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy, do đó sẽ chọn lọc rất kỹ các dự án để đầu tư. Ở thời điểm này, chỉ những chủ đầu tư có dòng tiền mạnh, hạ tầng tốt mới chiếm được niềm tin của nhà đầu tư.

“Thị trường bất động sản đang trong vòng xoáy siết tín dụng, nhà đầu tư hướng về dòng vốn trung – dài hạn ở những thị trường giàu tiềm năng, có khả năng khai thác, sinh lợi nhuận kép và các dự sán bất động sản được bảo chứng chất lượng, bởi các đơn vị vận hành nước ngoài, chủ đầu tư uy tín”, ông Quân nhận định.

Khách hàng có xu hướng chi "tiền tươi thóc thật" trong thời điểm siết tín dụng (Hình minh họa).

Có thể thấy thời điểm hiện tại là một đợt thanh lọc lớn đối với toàn thị trường bất động sản. Bất kể là môi giới, chủ đầu tư, hay nhà đầu tư cá nhân, nếu thiếu tiềm lực, thiếu kiến thức sẽ nhanh chóng bị đào thải khỏi thị trường.

Báo cáo tâm lý người mua bất động sản của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, chỉ có 25% đáp viên cho biết họ có dự định mua bất động sản trong 1 năm tới trong khi số lượng không có kế hoạch mua hay thuê bất động sản nào trong năm tới lại chiếm tới 70%.

Các báo cáo thị trường của các đơn vị CBRE, DKRA, Savills đều chỉ ra thanh khoản thị trường đang xuống thấp trong những tháng vừa rồi. Trong khi nhu cầu mua bất động sản vẫn luôn cao, số lượng giao dịch hiện lại không như mong đợi. Điều này chứng tỏ người mua bất động sản ngày càng khó tính

  • Qua tháng Ngâu, liệu thanh khoản có phục hồi?

    Qua tháng Ngâu, liệu thanh khoản có phục hồi?

    Trong tháng 8/2022, tỷ lệ hấp thụ chung các dự án mới ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Ngoài tâm lý kiêng kỵ mua bán trong “tháng Ngâu” (tháng 7 âm lịch) thì ảnh hưởng của chính sách thắt chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản vẫn là nguyên nhân chính khiến thị trường ảm đạm. Nếu nút thắt tín dụng không được mở thì dù qua “tháng Ngâu” thanh khoản của thị trường bất động sản cũng khó phục hồi.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.