20/11/2021 8:21 AM
Phương thức đồng sở hữu bất động sản đang trở nên phổ biến. Dưới đây là những lợi ích và hạn chế của việc sở hữu chung bất động sản mà những người mua cần lưu ý trước khi quyết định.

Tại sao đồng sở hữu nhà ở ngày càng phổ biến?

Đối với hàng triệu thế hệ Gen Y và Gen Z mong muốn sống trong căn hộ ở thành thị nhưng chỉ có nguồn thu nhập đơn lẻ thì việc sở hữu một ngôi nhà là điều quá khó khăn.

Ngay cả sau khi tài chính của họ được cải thiện, nhiều người chọn mua bất động sản với bạn bè của mình để sở hữu và sử dụng cùng nhau. Khi bạn không có đủ khả năng mua căn nhà mong muốn với mức thu nhập hiện tại, thì việc mua bất động sản với bạn bè hoặc người quen là một triển vọng hấp dẫn.

Dẫu vậy, việc đồng sở hữu này cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Bất kể bạn đã quen biết với người bạn hoặc người quen đó bao lâu, việc mua nhà với người không có mối quan hệ được pháp luật bảo vệ không phải là một quyết định đơn giản và dễ dàng.

1. Ưu điểm của việc đồng chủ sở hữu bất động sản

Đây là những lợi ích rõ ràng nhất của việc mua bất động sản chung với bạn bè hoặc người quen:

  • Gánh nặng chi phí mua nhà được san sẻ

Trong các thị trường nhà đất đắt đỏ, những người mua đơn lẻ có thu nhập cho dù tương đối thoải mái cũng có khá ít lựa chọn. Với hai (hoặc nhiều) nguồn thu nhập, bạn có khả năng kiếm trả trước 20% tiền nhà và đủ năng lực thanh toán khoản nợ thế chấp kếch xù trong nhiều năm tới.

  • Điều kiện thế chấp có thể dễ dàng hơn

Người cho vay bảo lãnh cho tất cả những người sẽ có tên trên sổ hồng. Nói cách khác, họ xem xét tổng thu nhập của nhóm người mua.

  • Đề nghị mua của bạn sẽ hấp dẫn hơn đối với người bán

Bạn sẽ thuận lợi hơn khi đưa ra một khoản trả trước lớn hơn hoặc thanh toán tất cả bằng tiền mặt, nếu nguồn lực tài chính cho phép. Những lời đề nghị mua thanh toán bằng tiền mặt thường có sức hấp dẫn rất lớn đối với người bán.

  • Chi phí sở hữu nhà dễ trang trải hơn

Một nguyên tắc chung cho các chủ nhà là chi phí bảo trì mỗi năm sẽ tương ứng với khoảng 1% giá trị ngôi nhà của họ. Tỷ lệ này có thể thấp hơn ở các thị trường nhà ở đắt đỏ, khi mà người mua phải trả nhiều hơn cho mỗi mét vuông. Bất kể chi phí nào thì việc chia sẻ cũng rất hữu ích.

2. Những bất lợi khi đồng sở hữu bất động sản

Dưới đây là những lý do khiến bạn cần phải thật thận trọng trước khi đưa ra quyết định mua nhà chung với bạn bè hoặc người quen.

  • Bất động sản khó thanh khoản

Ngay cả khi các điều khoản về việc thay đổi chủ sở hữu được ghi trong hợp đồng một cách cẩn thận và kỹ lưỡng, việc “cắt đứt” mối quan hệ của bạn đối với một ngôi nhà thuộc sở hữu chung không phải là điều bạn có thể thực hiện trong “một sớm một chiều”. Việc thay đổi quyền sở hữu hay bán toàn bộ căn hộ có thể sẽ mất hàng tháng trời.

  • Tài chính của người mua chung không ổn định có thể ảnh hưởng đến bạn

Đây là một trong những rủi ro lớn nhất khi mua nhà cùng với một người bạn hay người quen. Ngay cả khi đã ký thỏa thuận kỹ lưỡng, bạn cũng không thể kiểm soát được tình hình tài chính của người kia. Nếu họ chậm trả tiền đối với các khoản thanh toán nợ chung, thì quyền sở hữu nhà của bạn có thể bị ảnh hưởng.

  • Quyền sở hữu bình đẳng có thể tạo ra bế tắc

Trong quan hệ sở hữu chung kiểu này, quyền sở hữu 50-50 có thể dẫn đến sự căng thẳng hoặc bế tắc khi những vấn đề mới phát sinh. Đó là lý do tại sao bạn phải chắc chắn về người đồng sở hữu trước khi mua nhà với họ. Bởi rất có thể mối quan hệ lâu dài giữa bạn và họ có thể bị phá vỡ vì những vấn đề phát sinh liên quan đến lợi ích về tiền bạc hoặc lối sống khác biệt.

  • Giấy tờ pháp lý không phù hợp có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyền sở hữu của bạn

Nếu tên của bạn không có trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, thì quyền của bạn sẽ không được pháp luật bảo vệ, kể cả khi bạn trả một phần thế chấp và đang ở trong ngôi nhà. Nói cách khác, ngay cả khi bạn và người đồng chủ sở hữu còn lại là bạn bè cực kỳ thân thiết, bạn bắt buộc phải đề ra thỏa thuận và đảm bảo quyền lợi của bản thân được pháp luật bảo vệ đối với tài sản.

Vì quyền sở hữu bất động sản rất phức tạp và có vô số các vấn đề có thể phát sinh, bạn nên nhờ sự tư vấn của luật sư giàu kinh nghiệm để soạn thảo thỏa thuận đồng sở hữu. Các điều khoản càng chi tiết, thì quyền lợi và lợi ích của bạn càng được đảm bảo. Dù chi phí dành cho luật sư tư vấn không nhỏ, tầm vài chục triệu cho đến trăm triệu, nhưng đó là một cái giá xứng đáng để bạn bảo vệ một tài sản có giá trị lớn hơn rất nhiều như nhà ở.

Nếu bạn không muốn đồng sở hữu, hãy xem xét một giải pháp thay thế, chẳng hạn như mua nhà một mình và cho bạn bè thuê phòng trong nhà. Bạn có thể tính tiền thuê theo giá thị trường cho một hoặc nhiều người bạn cùng nhà. Đây là một cách tuyệt vời để bạn có thêm thu nhập trang trả khoản thế chấp, bảo hiểm và các chi phí khác. Điều này có thể bù đắp chi phí sở hữu nhà và mọi chi tiêu vẫn nằm trong khả năng tài chính của bạn.

Dương Thảo An (Moneycrashers)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.