Sau hơn 3 tháng TT khiếu kiện khắp nơi, lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức đối thoại để giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của TT liên quan đến sự "bội tín" của lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa.
Hứa rồi bội tín
Theo UBND TP.Biên Hòa, khu đất xây dựng trung tâm thương mại (TTTM)
hiện nay trước đây là chợ truyền thống (rộng khoảng gần 16.000m2, tọa
lạc tại đường Đồng Khởi - Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Năm
2007, UBND tỉnh Đồng Nai thuận chủ trương giao mặt bằng cho Công ty CP
Tân Trung Sơn (TP.HCM) lập thủ tục xây dựng TTTM kết hợp chợ truyền
thống với quy mô 5 tầng lầu và 1 tầng hầm.
Để TT đồng thuận bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, lãnh đạo UBND
TP.Biên Hòa đã cam kết với TT sau khi hoàn thành TTTM sẽ bố trí các hộ
trở lại kinh doanh như cũ.
Tin lời hứa, hàng trăm TT di dời vào chợ tạm để nhường mặt bằng cho
chủ đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, ngay sau khi lấy được mặt bằng, UBND
TP.Biên Hòa và chủ đầu tư đã có văn bản gửi Sở Xây dựng xin thay đổi
thiết kế, tách riêng chợ truyền thống ra khỏi TTTM và được chấp thuận.
Các TT không hề hay biết đến việc thay đổi thiết kế này.
Đến tháng 11.2011, hàng trăm TT chợ Tân Hiệp mới “té ngửa” khi biết
khu chợ của mình, nơi mà cách đây 3 năm lãnh đạo TP.Biên Hòa hứa tái bố
trí, được xây bít bùng như lô cốt để cho thuê kinh doanh siêu thị, còn
chợ truyền thống lại được dời vào phía sau TTTM.
Bất bình vì sự bội tín, TT liên tục tụ tập phản đối việc xây dựng TTTM; đồng thời gửi đơn khiếu kiện khắp nơi.
Chưa có hướng khắc phục
|
Tại buổi đối thoại hôm qua, TT Nguyễn Thị Đức đề nghị lãnh đạo UBND
tỉnh Đồng Nai kiểm điểm lại xem việc thay đổi mô hình (thiết kế - PV)
này là do ai đề xuất? "Suốt 3 năm liền xây dựng tại sao không ai biết.
Trong khi đó, TTTM nằm ngay vị trí mà lãnh đạo ngày nào cũng đi về ngang
đây 2 lần. Đến khi siêu thị treo bảng quảng cáo thì TT mới biết là mất
trắng. Ngày xưa chúng tôi di dời qua chợ tạm thì dễ, nhưng giờ về lại
thì khó quá", bà Đức phát biểu.
Còn TT Nguyễn Phương Duy nói thẳng: "Từ khi phát hiện xây dựng không đúng như cam kết, chúng tôi đã quá mệt mỏi để đòi quyền lợi. Chúng tôi không đòi hỏi quá đáng, chỉ mong có phương án hợp lý để ổn định làm ăn. Hoặc trả lại mặt bằng hay thỏa thuận mua bán dứt điểm ki ốt, sạp và thông báo sớm để chúng tôi biết".
Theo phương án mà UBND TP.Biên Hòa đưa ra tại buổi đối thoại để nhằm
khắc phục "sai sót" là xây dựng thêm 74 ki ốt xung quanh 3 mặt tiền của
TTTM; đưa hơn 200 TT đến kinh doanh ở chợ truyền thống (nằm phía sau
TTTM); đồng thời xây thêm sạp và ki ốt nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc.
Như vậy, tổng số hộ tái bố trí tại chợ truyền thống là 590 sạp, ki ốt.
Ngoài ra các TT còn được tăng thời hạn hợp đồng buôn bán tại chợ thêm 5
năm, hỗ trợ tiền thuế kinh doanh, thuế hoa chi, miễn phí giữ xe trong 5
năm, hỗ trợ mỗi TT 5 triệu đồng để di dời.
Nghe xong hướng khắc phục, có người đồng tình, nhưng rất nhiều ý kiến của TT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai trả lại mặt bằng như cam kết ban đầu; đồng thời có chế độ chính sách phù hợp hỗ trợ cho người dân nếu di dời vào chợ nhỏ phía sau TTTM.
"Mong tiểu thương thông cảm"
Tại buổi đối thoại, ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch TP.Biên Hòa, thừa nhận: "Việc điều chỉnh thiết kế nhưng không công bố, xin ý kiến của TT là sai sót của chính quyền và các cơ quan chức năng. Nguyên nhân việc điều chỉnh là do thời điểm đó khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chủ đầu tư gặp khó khăn. Nên UBND TP đồng ý đề nghị các ngành chức năng cho điều chỉnh thiết kế từ 5 tầng xuống còn 1 tầng trệt, 1 lầu và 1 tầng hầm
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng mong muốn có sự chia sẻ của TT. "Việc thay đổi thiết kế của TTTM nhưng không lấy ý kiến TT là sai sót của các cơ quan chức năng của tỉnh; chính quyền TP.Biên Hòa cũng đã nhìn nhận và xin lỗi bà con TT", ông Thái nói. Về phương án giải quyết, ông Thái phát biểu: "Sau khi nghiên cứu, phương án của UBND TP.Biên Hòa để tái bố trí cho dân là phương án duy nhất mang tính khả thi cao nhất. Mong TT hợp tác, đồng thuận".