Với ưu thế về quỹ đất, giá bán, cơ sở hạ tầng và tốc độ đô thị hóa tăng cùng sự đầu tư của các “ông lớn” bất động sản, nguồn cung nhà ở tại Đồng Nai và Bình Dương sẽ vượt xa TP.HCM trong thời gian tới.

Hình minh họa

Tại thị trường bất động sản nhà ở, các khu vực lân cận TP.HCM như Đồng Nai và Bình Dương đang ngày càng được chú ý nhờ vào nguồn cung dồi dào và giá bán hợp lý. Số lượng căn hộ bán được và nguồn cung tại Bình Dương cũng cao hơn so với các chung cư hạng C tại TP.HCM.

“Nguồn cung hạn chế tại TP.HCM đã và đang thúc đẩy người mua mở rộng đầu tư các tỉnh thành khác, đặc biệt là Đồng Nai với tốc độ tăng trưởng vượt bậc thời gian qua. Nguồn cung gia tăng tại các thị trường thay thế cung cấp cho người mua nhiều lựa chọn hơn. Do đó, 2022 sẽ là một năm thú vị để theo dõi sự mở rộng sang các tỉnh lân cận và sức bền của các nhà đầu tư”, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam nhận định.

Tại Đồng Nai, giá thành của các căn hộ chỉ bằng một nửa so với căn hộ hạng C ở TP.HCM. Nguồn cung trong tương lai cũng phản ánh mức độ phổ biến đang ngày càng tăng tại các khu vực này. Theo dự đoán, trong thời gian tới, nguồn cung tại Đồng Nai và Bình Dương sẽ vượt xa TP.HCM.

Bên cạnh nguồn cung lớn và giá bán tốt, việc cải thiện cơ sở hạ tầng và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy mức độ phổ biến của các khu vực này.

Hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương hiện đang dẫn đầu về nguồn cung và hiệu suất khu công nghiệp ở phía nam. Bên cạnh đó, hai khu vực này tiếp tục nhận được nguồn đầu tư nước ngoài đáng chú ý và có số lượng lớn công nhân tại các khu công nghiệp.

Bình Dương đang trở thành khu vực có nguồn cung căn hộ bình dân lý tưởng thay thế cho TP.HCM nhờ vào lợi thế tiếp giáp với TP.HCM. Trong năm 2021, nguồn cung sơ cấp của Bình Dương cao hơn TP.HCM 5% và lượng giao dịch nhiều hơn TP.HCM 42%.

Giá bán trung bình của căn hộ ở Thuận An (Bình Dương) đạt 40,8 triệu đồng/m2 và ở Dĩ An là 37 triệu đồng/m2, thấp hơn giá bán trung bình của căn hộ hạng C ở Thủ Đức (TP.HCM) là 41,8 triệu đồng/m2.

Savills dự báo nguồn cung nhà ở của Bình Dương từ nay đến năm 2024 khoảng 48.000 căn, trong đó Thuận An và Dĩ An chiếm 83% thị phần. Sự cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, tuyến xe buýt nhanh nối TP Mới Bình Dương và quận 9, tuyến Metro 3B góp phần thu hút người mua đến Bình Dương.

Hình minh họa

Ở phân khúc biệt thự nhà phố, năm 2021, nguồn cung tiếp tục khan hiếm trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Nguồn cung sơ cấp biệt thự nhà phố giảm 65% theo năm, còn khoảng 1.200 căn, thấp nhất kể từ năm 2016.

Nhà phố thương mại có hơn 200 căn, giảm 85% theo năm, và chỉ chiếm 17% tổng nguồn cung sơ cấp. Nhà phố liền kề chiếm 62% thị phần.

Riêng quý 4/2021, nguồn cung sơ cấp gần 400 căn, giảm 23% theo quý và 58% theo năm. Không có dự án mới được mở, nguồn cung mới khoảng hơn 170 căn đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo của ba dự án hiện hữu tại các quận ngoài trung tâm gồm quận 9, 12 và Gò Vấp. Trong đó, nhà phố liền kề chiếm 63% nguồn cung mới. Nguồn cung tiếp tục khan hiếm khi các chủ đầu tư dời kế hoạch mở bán bảy dự án sang năm 2022.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, với dân số đô thị tăng trưởng nóng tại TP.HCM và sự phát triển hạ tầng giao thông liên tỉnh cải thiện, người mua bất động sản liền thổ ngày càng quan tâm đến các địa điểm đầu tư lân cận như Đồng Nai và Bình Dương. Cả hai tỉnh đều thu hút các chủ đầu tư lớn như Novaland, Vingroup, Nam Long, CFLD, Capitaland.

Với quỹ đất sẵn có lớn, giá đất hợp lý và cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện, Đồng Nai và Bình Dương đang vượt qua TP.HCM về cả nguồn cung và lượng giao dịch.

Năm 2021, nguồn cung sơ cấp của Đồng Nai nhiều hơn TP.HCM khoảng 130% và lượng giao dịch nhiều hơn TP.HCM khoảng 160%. Nguồn cung của Đồng Nai được thúc đẩy bởi các dự án quy mô lớn ở Biên Hòa. So với TP.HCM, Bình Dương cũng có nguồn cung sơ cấp cao hơn 23% và lượng giao dịch cao hơn 2%.

Nguồn cung tương lai ở các tỉnh lân cận sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu bất động sản liền thổ trước bối cảnh thiếu hụt nguồn cung tại TP.HCM. Dự kiến đến năm 2024, Đồng Nai sẽ có nguồn cung khoảng 17.700 căn, nhiều hơn TP.HCM 105%. Bình Dương dự kiến tung ra 7.400 căn vào năm 2024 do trọng tâm là căn hộ hơn là nhà ở liền thổ.

Riêng tại TP.HCM, trong dài hạn, Chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển nhà ở tại các quận ngoại thành có quỹ đất rộng, nhất là tại các huyện quy hoạch lên quận nào năm 2030 như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.

Savills dự báo nguồn cung năm 2022 sẽ đạt khoảng 1.400 căn từ giai đoạn tiếp theo của 3 dự án hiện hữu và 9 dự án mới. Biệt thự nhà phố sẽ chiếm ưu thế với 83% thị phần.

Đến năm 2024, nguồn cung tương lai dự kiến đạt gần 9.400 căn, trong đó tỷ lệ biệt thự nhà phố chiếm 92%. Với quỹ đất lớn và cơ sở hạ tầng đồng bộ, quận 2, 9 và Bình Chánh tiếp tục là tâm điểm phát triển bất động sản liền thổ với nguồn cung tương lai nhiều nhất tại Bình Chánh chiếm 27% thị phần, quận 2 với 18% và quận 9 với 16%.

Chủ đề: Bất động sản 2022,
  • Giao dịch căn hộ TP.HCM tăng mạnh trong quý cuối năm

    Giao dịch căn hộ TP.HCM tăng mạnh trong quý cuối năm

    Theo Savills Việt Nam, do ảnh hưởng dịch bệnh, lượng giao dịch căn hộ tại TP.HCM đã giảm mạnh trong năm 2021. Tuy nhiên, so với các quý trước, lượng giao dịch trong quý 4/2021 đã tăng mạnh trở lại với gần 5.600 căn.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.