Trong cuộc chạy đua giành thị phần bất động sản, Đồng Nai có xuất phát điểm chậm hơn so với Bình Dương. Nhưng trong năm 2010, Đồng Nai đã đã lên chiến dịch rầm rộ mở đường cho những dự án đô thị mới.
Tiềm năng lớn

Đồng Nai có vị trí thuận lợi là nằm trong hệ thống giao thông huyết mạnh của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, lại có hạ tầng phát triển công nghiệp đứng nhất nhì cả nước. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công xây dựng như: cầu Đồng Nai 2, mở rộng quốc lộ 51 thành 6 làn xe, khởi động gói thầu số 1 dự án đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây - Cảng Phước An. Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Biên Hòa, sân bay quốc tế Long Thành và thành phố mới Nhơn Trạch có vị trí quan trọng trong việc hình thành không gian đô thị khoa học và công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với không gian trung tâm TP.HCM.

Đồng Nai là tỉnh có chỉ số GDP/đầu người liên tục tăng và luôn ở mức cao, cao hơn 30-35% so với bình quân cả nước, năm 2007 là 1.105 USD/người, năm 2008 tăng lên 1.316 USD và năm 2009 lên tới gần 1.500 USD/người.

Với những điều kiện trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Nai phát triển du lịch sinh thái và bất động sản du lịch.

“A dua” theo dự án

Trong cuộc chạy đua này, Đồng Nai là một trong những tỉnh thành "mặn mà" với các dự án bất động sản sinh thái. Đó là khu đô thị Phước Hưng có tổng diện tích 286 ha; Khu đô thị Aquacity rộng 304 ha; Khu đô thị Waterfront quy mô 366 ha; Khu dân cư Long Hưng 227 ha; Khu dân cư Giang Điền 529 ha. Ngoài ra, các doanh nghiệp địa ốc tại Đồng Nai còn tung ra những khu dân cư quy mô nhỏ và trung bình như: Phú An (11,5 ha), Tam Phước (18 ha), Cù lao Tân Vạn (45 ha), khu dân cư Tân Biên (126 nhà phố và 22 vila), dự án căn hộ Quang Vinh (0,89 ha)...

Các dự án “ăn theo” sân bay Long Thành cũng rục rịch bung hàng trong thời gian gần đây nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Không chỉ đất dự án hút hàng, tại những lô đất dọc mặt tiền tuyến đường 769, giá cũng tăng chóng mặt. Hiện một mét ngang tại đây giá 6 - 8 lượng vàng, trong khi trước đây chỉ khoảng 1 - 2 lượng/mét. Những nhà đầu tư nhỏ cũng đổ về đây gom đất vườn, tự làm quy hoạch rồi phân lô bán nền với giá khoảng 12 triệu đồng/m2, nhưng vẫn bán đắt như tôm tươi. Đây chính là tín hiệu tích cực thể hiện sức hút mạnh mẽ từ BĐS Đồng Nai, trong khi thị trường TP.HCM đang bão hòa.

Sân bay Quốc tế Long Thành có quy mô gấp 4 lần sân bay Tân Sơn Nhất

Hiện có đến 90% các khách hàng mua đất tại Long Thành đến từ TP.HCM. Số lượng khách hàng từ các tỉnh phía Bắc ôm tiền vào Đồng Nai mua đất bắt đầu tăng mạnh, nhất là Hà Nội. Hàng loạt dự án bất động sản sân bay được hình thành nhằm đón đầu sân bay Long Thành.

Mặc dù thị trường bất động sản đang “nóng” lên từng ngày, nhưng theo nhận định của một số chuyên gia , nhà đầu tư không thể “lướt sóng” mà phải đầu tư trung và dài hạn. Bởi phần lớn bất động sản ở khu vực Long Thành đều “ăn theo” các dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là sân bay Long Thành.

Theo phòng phân tích Cafeland, kiểu “ăn theo” hạ tầng là yếu tố không bền vững cho thị trường bất động sản. Bởi thực tế ấy đang chứa lắm rủi ro khi rất nhiều dự án dễ mua mà khó bán, nhất là với những dự án vị trí không thuận lợi. Nếu tính toán không kỹ, nhà đầu tư sẽ dễ bị “chết chìm” vì nơi đây dễ mua, khó bán. Ngoài ra, sự xuất hiện ồ ạt của "cò" đủ loại, từ nhà đầu tư nhỏ lẻ đến nhà đầu tư lớn đang lấn át nhóm khách hàng có nhu cầu, cũng là điều bất ổn.

Tuệ Tâm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland