17/05/2022 7:05 AM
Nhiều ý kiến cho rằng dường như chúng ta đang có cách phản ứng mang tính cực đoan với thị trường bất động sản trong khi đây là lĩnh vực đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

Dường như chúng ta đang có cách phản ứng mang tính cực đoan với thị trường bất động sản.

Siết cách nào để không bỏ lỡ cơ hội?

Cuối 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình trạng sốt đất đã gia tăng ở nhiều địa phương, kéo theo nhiều hệ luỵ khi “nhà nhà, người người” đi buôn đất.

Tình trạng mua bán qua tay, đầu cơ thổi giá bất chấp đã khiến thị trường trở nên bất ổn, nhiễu loạn.

Trước thực trạng đó, ngân hàng cũng đã có những thông tư siết nguồn vốn, và xu hướng quản lý ngày càng chặt hơn đang gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng xuất phát từ tâm lý phát triển kinh tế của chúng ta khiến cơ hội làm giàu từ bất động sản là nhiều nhất, trong khi dòng vốn chảy vào các ngành khác để tạo ra năng lực sản xuất khác lại có sự chênh lệch. Do đó, khi nói đến vấn đề của bất động sản thì tâm lý chung là siết chặt lại.

Theo ông Thiên, để giải quyết vấn đề này chúng ta phải bắt đầu từ hệ thống, một mô hình phát triển để không có sự chênh lệch cơ hội giữa các lĩnh vực, cũng như là khuynh hướng đầu cơ của nền kinh tế.

“Nếu không thể giải quyết vấn đề này thì các lĩnh vực khác ngoài bất động sản vẫn sẽ có ít cơ hội, năng lực thực tế của nền kinh tế vẫn bị yếu kém”, ông Thiên nhận định, và nói thêm rằng trong điều kiện của nước ta thì sau mỗi đợt bất động sản gây sốt như thế này sẽ gây ra những tác động tâm lý rất tiêu cực.

Liên quan đến căn nguyên của tình trạng đầu cơ đất đai, chuyên gia này cho rằng đây không phải lỗi của các nhà đầu tư mà lỗi do hệ thống của nước ta làm cho khuynh hướng đầu cơ mang lại rủi ro, nhưng có lợi ích rất lớn.

Bên cạnh đó, phản ứng chính sách của chúng ta cơ bản theo cách phản ứng tình thế, hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

“Điều này rất nguy hiểm và gây ra tổn hại to lớn cho nền kinh tế. Đây là chuyện không thể giải quyết trong một thời gian ngắn”, ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Thiên cho rằng sở dĩ bất động sản nóng sốt như vừa qua là do ngành này đã bị nén 2 năm nên nguy cơ bùng nổ rất dễ xảy ra. Có ba lý do cho tình trạng này.

Một là chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch tạo ra cơ hội bùng nổ, nhất là bất động sản.

Hai là các quy hoạch cũng tạo ra các cơ hội bùng nổ, vừa có thực, vừa có ảo và có thể gây ra những hệ lụy.

Ba là cách phát triển hạ tầng của nước ta hiện nay, hạ tầng phát triển tới đâu, đô thị phát triển tới đó.

Ông Thiên cho rằng phải tìm được căn nguyên của tình trạng đầu cơ đất đai thời gian qua, từ đó có cơ chế cũng như phản ứng chính sách phù hợp, tránh hình sự hoá các quan hệ kinh tế, bởi điều này rất nguy hiểm đối với thị trường.

Nếu có siết và kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản thì phải làm sao để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Nếu tiếp tục hình sự hóa bất động sản như hiện nay, theo ông Thiên, các nhà đầu tư lớn sẽ mất hết cơ hội, động lực và thậm chí là rút lui. Do đó, chuyện hình sự hóa các quan hệ bất động sản phải thật sự rõ ràng.

Ngoài ra, ông cho rằng phải làm rõ các phân khúc bất động sản có nguy cơ đầu cơ như thế nào, việc xử lý vi phạm trong từng phân khúc cụ thể ra sao. “Chuyện này đòi hỏi năng lực và trách nhiệm từ cơ quan tài chính, ngân hàng và Bộ tài chính”, ông Thiên nhấn mạnh.

Siết tín dụng sẽ bóp chết bất động sản

TS, Vũ Đình Ánh cho rằng hiện nay chúng ta vẫn đang mông lung, hiểu sai vai trò của bất động sản, coi lĩnh vực này chỉ là kênh đầu cơ và có rủi ro. Hoặc nói đến bất động sản là nhiều người ngay lập tức nói đến bong bóng bất động sản. Quan niệm này cần được thay đổi.

Theo ông Ánh, bất động sản là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là kết quả và đầu vào của tăng trưởng.

“Bất động sản – tài chính là 2 mặt của 1 đồng xu. Bất động sản luôn gắn với tài chính và sẽ không thể xử lý được các vấn đề liên quan đến bất động sản nếu tách khỏi tài chính. Ngược lại, nếu bàn về tài chính mà không nói đến câu chuyện bất động sản thì cũng chưa đủ”, ông Ánh nhấn mạnh.

Ông Ánh cho rằng nếu chúng ta ứng xử với bất động sản như thế này thì suốt ngày sẽ chỉ đi bàn câu chuyện siết hay kiểm soát. Bởi dường như chúng ta đang coi bất động sản là kẻ địch chứ không phải một bộ phận của nền kinh tế.

Chuyên gia này cũng cho biết thế giới đang bước vào giai đoạn – dự báo là suy thoái. Như vậy, Việt Nam đang trong bối cảnh nguy hiểm – cần thận trọng, dù chúng ta vượt qua đại dịch, nhưng tăng trưởng kinh tế thấp. Nếu không cẩn trọng, ứng xử tốt, thị trường bất động sản – tài chính tiền tệ sẽ dễ bị suy thoái và lạm phát.

“Theo tôi, không nên dùng từ siết. Siết ở đây là siết cái gì và tại sao lại siết? Thị trường bất động sản hiện nay cơ bản vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Bản thân ngân hàng và bất động sản đã đồng hành với nhau từ rất lâu và cực kỳ khăng khít. Do đó, vấn đề chính là phải lành mạnh hóa mối quan hệ bất động sản – tài chính, kinh tế. Bởi nếu tiếp tục siết tín dụng sẽ bóp chết bất động sản”, ông Ánh nói.

“Dường như chúng ta đang coi bất động sản là kẻ địch chứ không phải một bộ phận của nền kinh tế”,

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.