Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được cho là sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng TMCP, đặc biệt là các ngân hàng đang "khát vốn chủ sở hữu", đáp ứng chuẩn Basel 2.

Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam với EU chính thức được ký kết. Sáng ngày 8/6/2020, với đa số phiếu tán thành, Quốc Hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua EVFTA. Theo quy trình, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau. Như vậy, EVFTA có thể sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sẽ mở ra nhiều cơ hội với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam nói riêng.

Trong báo cáo mới đây của nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có thể thấy tài chính, ngân hàng là ngành sẽ hưởng lợi lớn từ EVFTA.

EVFTA có thể sẽ thúc đẩy hoạt động M&A các ngân hàng thương mại của Việt Nam.

Cụ thể, các nội dung về mở cửa thị trường tài chính-ngân hàng trong EVFTA được nêu tập trung tại Chương 8 và Biên bản ghi nhớ về góp vốn ngân hàng. Nổi bật các nội dung sau:

Đầu tiên là quy định "trong vòng 5 năm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) EU mua đến 49% cổ phần của 2 NHTMCP Việt Nam (hiện nay tối đa là 30%), ngoại trừ 4 NHTMCP có sở hữu Nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank".

Với thời gian thực thi không dài, cùng xu hướng thoái vốn của các đối tác nước ngoài (nhất là Châu Âu) gần đây, trong ngắn hạn, quy định này dự báo tác động không nhiều đến dòng vốn của EU vào thị trường ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội cho các NHTMCP, đặc biệt là các ngân hàng đang "khát vốn chủ sở hữu", đáp ứng chuẩn Basel 2.

Khi có sự tham gia của các đối tác chiến lược EU, các ngân hàng trong nước sẽ được tiếp cận bộ máy quản trị và công nghệ hiện đại cũng như các sản phẩm tài chính - ngân hàng hiện đại.

Tiếp theo là cam kết về "mở cửa thị trường với các dịch vụ tài chính mới" và "cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU chuyển thông tin ra/vào Việt Nam; cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU thành lập tại Việt Nam tiếp cận dịch vụ thanh toán, bù trừ, các phương thức tài trợ và tái cấp vốn có sẵn (được hiểu là các phương thức huy động vốn thông thường trên thị trường như phát hành trái phiếu, vay vốn từ các NHTM, vay tái cấp vốn từ Ngân hàng nhà nước…".

"Điều khoản này dự kiến có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến lĩnh vực Fintech và tiền di động (Mobile money) – dịch vụ tài chính mới đang được quản lý bằng các văn bản pháp luật hiện có của Việt Nam. Đây là thách thức không nhỏ đến thị trường tài chính trong nước cũng như triển vọng các sản phẩm tài chính số trong tương lai; nhất là các mảng thanh toán, ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để các Fintech và ngân hàng Việt Nam đổi mới, phát triển nhanh chóng hơn; đẩy nhanh tiến trình tài chính số và thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh hậu dịch COVID-19", báo cáo nêu.

Đánh giá về ác động gián tiếp của EVFTA, báo cáo cho biết, thực thi Hiệp định góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm; từ đó tác động tích cực đến ngành tài chính - ngân hàng.

Theo HSBC (tháng 6/2020), Hiệp định có thể làm tăng thêm 0,1 điểm % cho tăng trưởng GDP của Việt Nam mỗi năm. Báo cáo của World Bank công bố tháng 5/2020 ước tính, EVFTA có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030.

"Những tác động này được dự báo sẽ giúp trung hòa đáng kể tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhất là làm tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt nhu cầu đối với hoạt động tín dụng, thanh toán, tài trợ thương mại, bảo lãnh, fintech, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ…", nhóm nghiên cứu nhận định.

Tiếp theo, EVFTA cũng giúp cải thiện dòng vốn vào thị trường chứng khoán, các các quỹ đầu tư, và hỗ trợ ổn định tỷ giá. EVFTA được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam mà cả hoạt động đầu tư gián tiếp và mở rộng cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp 2 bên. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn và thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn gián tiếp từ các nhà đầu tư EU thông qua các quỹ đầu tư. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu, đầu tư mở rộng sẽ giúp gia tăng lượng ngoại tệ, cải thiện dự trữ ngoại hối, ổn định tâm lý thị trường và tỷ giá hối đoái.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận định rằng, EVFTA sẽ thúc đẩy kiến tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi hơn thông qua cải cách thể chế và hoàn thiện khung khổ pháp lý. Việc thực thi các cam kết tại EVFTA sẽ thúc đẩy cạnh tranh, hợp tác và đẩy mạnh phát triển dịch vụ, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đồng thời, các quy tắc, luật định sẽ ngày càng được chuẩn hóa, minh bạch, hướng đến nền kinh tế minh bạch hơn và thị trường tài chính phát triển cân bằng hơn.

Đình Vũ (NĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.