Tại buổi tiếp, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của mình và đánh giá cao sự hợp tác tích cực, chặt chẽ ở các cấp giữa hai bên trong thời gian qua.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại ASEAN. EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao việc EU coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của chương trình hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2021-2027; cảm ơn EU tiếp tục ưu tiên và dành 210 triệu EUR viện trợ không hoàn lại giai đoạn 2021-2024 cho Việt Nam.
Để triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực…
Thủ tướng đề nghị thời gian tới EU thúc đẩy triển khai hiệu quả và hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi Hiệp định EVFTA; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, nhất là hàng nông thủy sản, trong đó EU hỗ trợ hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn cao của EU, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sớm đạt mốc 100 tỷ USD.
Thủ tướng đề nghị Ngài Phó Chủ tịch có tiếng nói tích cực vận động các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhằm tạo động lực đẩy mạnh đầu tư hai bên trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Đề nghị EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tạo điều kiện để hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, phù hợp với lợi ích sinh kế của ngư dân Việt Nam; tích cực hỗ trợ, hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong bền vững…
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovski nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của EU cũng như các nước thành viên và khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa EU và Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Đồng thời cho biết 15 quốc gia thành viên của EU đã phê chuẩn EVIPA và tiến trình này sẽ tiếp tục được thúc đẩy thời gian tới. Phía EU cũng ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ của Việt Nam và sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện các giải pháp, thúc đẩy giải quyết các vấn đề liên quan IUU.
Được biết, trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2022 đã đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2 % so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 8,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 43,67 tỷ USD, theo thống kê của Tổng cục Hải quan. Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam với 2.535 dự án, tổng vốn đăng ký trị giá 29,12 tỷ USD tính lũy kế đến tháng 9 năm 2023, chiếm 6,43% tổng vốn đăng ký FDI tại Việt Nam. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đã đạt 1,57 tỷ USD. |
-
EVFTA giúp các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, từ mức giảm 1,8% năm 2020 tăng lên 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022; tỉ trọng vốn đăng ký từ các nhà đầu tư EU cũng cải thiện tích cực.