08/10/2024 9:28 AM
Cùng với giá nguyên vật liệu tăng cao và không có hợp đồng xây dựng mới, tình hình bão lũ xảy ra tại nhiều địa phương đã làm gián đoạn hoạt động thi công các công trình xây dựng. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong quý 3/2024.

Siêu bão Yagi (cơn bão số 3) và cơn bão số 4 liên tục đổ bộ vào miền Bắc và miền Trung trong tháng 9/2024 đã gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp tại các địa phương có bão đi qua bị gián đoạn hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động để khắc phục thiệt hại sau bão làm chậm tiến độ sản xuất, kinh doanh trong quý 3 vừa qua.

Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý 3/2024 và dự báo quý 4 năm nay của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý 3 đã khả quan hơn so với quý đầu năm.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3/2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, bên cạnh 2 khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng do không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao như các quý trước, trong quý 3/2024, cơn bão số 3 (Yagi) và cơn bão số 4 xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc và miền Trung làm gián đoạn hoạt động thi công của nhiều công trình xây dựng trong tháng 9/2024.

Cụ thể, có 45% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới, 44,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao và 32% doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi cho thi công công trình xây dựng.

Đối với các yếu tố đầu vào cho sản xuất như thiếu vốn, thiếu lao động, không có mặt bằng sạch để thi công, thiếu nguyên vật liệu xây dựng đều có ảnh hưởng tới hoạt động thi công công trình xây dựng.

Về vốn, có 21,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 26,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn làm ảnh hưởng tới dòng vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về lao động, 12,4% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Về mặt bằng sạch để thi công, có 16,1% doanh nghiệp gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng tới tiến độ thi công công trình xây dựng.

Về nguồn cung nguyên vật liệu, có 14,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, có tới 44,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao.

Về năng lực nội tại của doanh nghiệp, có 24,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc ký kết các hợp đồng xây dựng mới. Bên cạnh đó, có 11,3% doanh nghiệp không biết cách tiếp cận đến các kênh thông tin đấu thầu nên làm giảm cơ hội ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới.

Dự báo quý 4/2024, các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là cơ hội tìm kiếm các hợp đồng xây dựng mới, giá nguyên vật liệu có thể tiếp tục tăng cao và lo ngại về điều kiện thời tiết có thể ảnh hưởng tới tiến độ thi công, hoàn thành công trình xây dựng.

67% doanh nghiệp khó tiếp cận được các gói vay ưu đãi

Liên quan đến khăn của các doanh nghiệp xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 3/2024 có 76,9% doanh nghiệp thực hiện vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo nguồn vay, có tới 75,2% doanh nghiệp vay vốn qua ngân hàng; 13% doanh nghiệp vay qua người thân, bạn bè; 7,2% doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng khác; 3,1% doanh nghiệp vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức và 1,5% doanh nghiệp vay từ các nguồn khác.

“Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng, chỉ có 33,1% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi, còn lại 66,9% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi”, cơ quan thống kê chỉ rõ.

Gần 70% doanh nghiệp xây dựng không tiếp cận được các gói vay ưu đãi

Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ có 17,8% doanh nghiệp cho rằng tình hình vay vốn ở quý 3 thuận lợi hơn quý 2 trước đó; 59,6% doanh nghiệp nhận định không thay đổi và 22,6% doanh nghiệp nhận định tình hình vay vốn khó khăn hơn.

Dự báo quý 4/2024, có 16,2% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình vay vốn sẽ thuận lợi hơn; 62,6% doanh nghiệp nhận định không thay đổi và 21,2% doanh nghiệp cho rằng tình hình vay vốn sẽ khó khăn hơn.

Loạt kiến nghị gỡ khó của doanh nghiệp

Trước những khó khăn kể trên, các doanh nghiệp xây dựng đề xuất một số nhóm kiến nghị như được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.

Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp để bình ổn giá nguyên vật liệu và đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên vật liệu.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.