30/08/2024 9:45 AM
Ngành vật liệu xây dựng đang đứng trước bước ngoặt quan trọng khi Chính phủ đưa ra loạt chính sách hỗ trợ chưa từng có. Những rào cản pháp lý được gỡ bỏ, các cơ hội đầu tư mở ra, nhưng liệu tất cả các doanh nghiệp đã sẵn sàng nắm bắt?

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng không chỉ giúp đảm bảo cung ứng kịp thời cho các dự án hạ tầng mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành xây dựng Việt Nam.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất

Theo chỉ thị mới nhất từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát và tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Điều này bao gồm việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và cung cấp các hỗ trợ tài chính cần thiết cho doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ đạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng đôn đốc các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư các hệ thống phát điện nhiệt dư và sử dụng các loại nhiên liệu, nguyên liệu thay thế.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng.

Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.

Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lĩnh vực thép xây dựng cần được bảo đảm cân đối cung cầu và đầu tư phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương được yêu cầu phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực thép xây dựng như các chính sách về thuế các loại, thu hút đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý lĩnh vực thép xây dựng.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hội, hiệp hội nghề đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu clinker và xi măng; thép xây dựng, tôn mạ và các sản phẩm thép.

Nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách thuế thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng

Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh theo hướng áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker xi măng ở mức phù hợp để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hiện nay.

Chủ trì xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua; nghiên cứu quy định về sản phẩm clinker xi măng theo hướng "sản phẩm clinker xi măng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng" kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng có chất lượng thay thế vật liệu nhập khẩu, thân thiện môi trường, các sản phẩm vật liệu chế biến sâu để xuất khẩu theo cơ chế, chính sách hiện hành.

Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các trạm nghiền, trạm phân phối xi măng ở những địa phương không sản xuất được clinker và có nguồn phụ gia, tận dụng được tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.

Giải quyết kịp thời các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thuê đất đối với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất mặt hàng này.

Khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng cần cân nhắc kỹ để tránh việc đầu tư dư thừa, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, phòng chống thiên tai trên địa bàn để tăng lượng sử dụng xi măng, sắt thép và các vật liệu khác.

Tối ưu chi phí, giảm giá thành sản phẩm

Trong xu thế phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trở thành yếu tố then chốt mà doanh nghiệp không thể bỏ qua. Chính phủ không chỉ yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường mà còn khuyến khích đầu tư vào các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá sản phẩm, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu, vùng miền khác nhau. Tăng cường sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng thay thế nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe từ các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ mà còn tạo ra giá trị bền vững, nâng cao uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Với những chính sách mới từ Chính phủ, ngành vật liệu xây dựng đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động đầu tư vào công nghệ mới. Chỉ có như vậy, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam mới có thể vươn ra thế giới, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ xây dựng quốc tế.

  • 4 thách thức lớn với ngành vật liệu xây dựng năm 2024

    4 thách thức lớn với ngành vật liệu xây dựng năm 2024

    Ngành vật liệu xây dựng đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ sự gia tăng chi phí sản xuất, thị trường tiêu thụ trì trệ, đến khó khăn tài chính và tình trạng buôn lậu. Những khó khăn này không chỉ cản trở sự phát triển của ngành mà còn đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp.

  • Ngành xây dựng đang thay đổi ra sao? 10 vật liệu mới sẽ khiến bạn bất ngờ!

    Ngành xây dựng đang thay đổi ra sao? 10 vật liệu mới sẽ khiến bạn bất ngờ!

    Trong bối cảnh ngành xây dựng đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ, 10 vật liệu mới đang nổi lên như những giải pháp đột phá, góp phần định hình tương lai. Từ gỗ trong suốt cho đến công nghệ in 3D, những vật liệu này không chỉ mang đến sự bền vững mà còn mở ra vô vàn cơ hội sáng tạo trong kiến trúc.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.