29/03/2011 8:23 AM
Địa chỉ 22-24 Hàng Bài, 25-27 Hai Bà Trưng, Hà Nội gần một năm nay trở thành nổi tiếng chỉ bởi giá đất tại địa chỉ này đang ở mức độ kỷ lục 1 tỷ đồng/m2. Chính việc đòi hỏi quá cao mà khu đất này 7 năm vẫn bỏ hoang. Sự việc thể hiện sự quá nương tay của chính quyền sở tại…
Được voi đòi tiên

Phần đòi bồi thường kỷ lục này là 1% diện tích đất cuối cùng nằm trong dự án xây dựng TTTM, VP và nhà ở tái định cư,đang thuộc sở hữu của hai gia đình: ông Hoàng Đình Trung và ông Hoàng Quốc Cường ở 22- 24 Hàng Bài.

Theo khung giá đất bồi thường đền bù năm 2010 của Hà Nội, mức bồi thường cao nhất tại Hàng Bài là 72 triệu đồng/m², nhưng để nhận được sự đồng thuận của người dân, dù là hai hộ cuối cùng, chủ đầu tư đã đưa ra mức giá bồi thường 500 triệu đồng/m2 đất.

Ông Trần Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty T&T- chủ đầu tư cho biết công ty đã nhiều lần gặp gỡ gia đình để thỏa thuận mức cao hơn nhưng đều không đạt được kết quả. Cụ thể, đối với diện tích 51m2 tầng 1 và 91 m2 tầng 2 (bao gồm diện tích cơi nới lấn chiếm) chủ đầu tư sẵn sàng bồi thường với tổng số tiền lên tới 50 tỷ đồng, thậm chí đã đàm phán với mức 60 tỷ. Tính ra, với 51 m2 đất mặt bằng thu được, nhà đầu tư thực chất đã trả tới 1 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, gia đình này vẫn không chịu và cương quyết đòi phải đền bù với tổng giá trị là 67 tỷ đồng (trung bình 1,4 tỷ/m2) với những đòi hỏi phi lý như phải tính cả diện tích hành lang (lấn chiếm), diện tích tầng 3 (tự cơi nới) bằng với giá đền bù những phần kia.


Nếu đúng theo phương án mà chủ đầu tư bồi thường cho hai hộ dân tại 22-24 Hàng Bài thì giá đất đã lên đến 1 tỷ đồng/m2.

Lý do hai hộ dân đưa ra là dự án nhằm mục đích kinh doanh nên chủ đầu tư muốn mua thì phải thỏa thuận sát giá thị trường, tức là 1 tỷ đồng/m2 nhưng lại không chứng minh việc có giao dịch vượt mức giá đó (giá thị trường). Trong khi đó, khảo sát của UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, giá chào bán công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại một số đường phố đắc địa nhất tại Hà Nội ở thời điểm hiện tại từ 400 – 500 triệu đồng/m² đất mặt đường. Cụ thể, tại phố Huế, giá rao bán căn nhà mặt phố, diện tích 90m², có sổ đỏ khoảng 400 triệu đồng/m², còn tại phố Hàng Ngang - giá chào bán nhà mặt phố khoảng 440-450 triệu đồng/m²...

Theo các quy định về luật đất đai, về nguyên tắc, việc thu hồi đất phục vụ dự án nhằm mục đích kinh doanh thương mại phải thỏa thuận đền bù sát giá thị trường nhưng phải chứng minh được có mức giá đó là có thật và đã được giao dịch. Điều này cũng được GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định: về nguyên tắc, thu hồi đất phục vụ dự án nhằm mục đích kinh doanh thương mại phải thỏa thuận đền bù sát giá thị trường. Nhưng vấn đề là người dân phải chứng minh được giá thị trường là bao nhiêu. Người dân có thể thuê Trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính thực hiện việc này.

“Nếu quả thực trên thị trường có giao dịch trên 1 tỷ đồng/m2 tại khu vực này thì việc đòi bồi thường của người dân sẽ được xem xét chấp nhận. Nhưng nếu không có, cần sự can thiệp của chính quyền bằng các chế tài theo quy định. Không thể để kiểu thích làm gì thì làm, được voi đòi tiên này thành tiền lệ được”, anh Nguyễn Văn Hải, một chuyên gia về bất động sản chia sẻ.

Khi luật pháp luật không thể nhượng bộ

Đến thời điểm này, lô đất dùng để thực hiện dự án TTTM, VP và Nhà ở tái định cư tại 22-24 Hàng Bài, 25-27 Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bỏ hoang 7 năm. Mặc dù 15/17 hộ có đất thuộc dự án đã chấp nhận phương án bồi thường để di dời, chỉ 2 hộ dân làm ách dự án trong 7 năm. Không tính đến việc thiệt hại trong việc chậm triển khai dự án của doanh nghiệp, sự việc này rõ ràng đã và đang ảnh hưởng xấu đến công tác quy hoạch phát triển đô thị đặc biệt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Hành vi cố tình đòi bằng được dù không biết căn cứ vào đâu không còn là việc của doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận nữa. Ở đây, cần có sự xuất hiện của chính quyền.


Công văn chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm về việc cưỡng chế nhà 22-24 Hàng Bài.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Hải, khả năng điều tiết và điều phối của chính quyền là vô cùng quan trọng, bởi doanh nghiệp, thậm chí là người dân chỉ là nạn nhân mà thôi. Doanh nghiệp là nạn nhân của việc đòi hỏi không có điểm dừng của người dân, còn người dân là nạn nhân của chính mình, bởi không hiểu biết, không có kiến thức về bất động sản nói riêng và hệ thống luật pháp nói chung.

“Ở đây, sự kiên định của các cấp chính quyền sẽ giúp giải tỏa mọi khó khăn, vướng mắc”, anh Hải chia sẻ.

Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận cho biết: với 2 hộ dân này, mặc dù phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của quận, hỗ trợ riêng của chủ đầu tư… đều đã vận dụng tối đa các quy định của Nhà nước và đã có nhiều lần thuyết phục, giải thích nhưng không có kết quả.

Vì vậy, căn cứ theo các quy định của pháp luật, và không thể để tình trạng này kéo dài nhiều năm dẫn đến thiệt hại về kinh tế, lãng phí đối với ngân sách Nhà nước đồng thời ảnh hưởng xấu đến công tác quy hoạch phát triển đô thị và dư luận xã hội... Ngày 25/3/2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã có công văn số 215/UBND-BBTGPMB gửi UBND phường Hàng Bài về việc tổ chức cưỡng chế di dời các hộ dân tại số nhà 22 Hàng Bài.

Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm giao UBND phường chủ trì phối hợp với chủ đầu tư thực hiện công tác cưỡng chế di dời các hộ gia đình còn lại thuộc dự án TTTM, Vp và Nhà ở tái định cư; Lập kế hoạch phối hợp cụ thể với các phòng, ban, ngành có liên quan, chuẩn bị các điều kiện để di chuyển hai gia đình đang sử dụng dất tại tầng 1,2,3 số nhà 22 Hàng Bài đến khu tạm cư Thanh Lương, tổ 28 phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng.

Phán quyết này là khẳng định cao nhất của chính quyền quận Hoàn Kiếm trong việc sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc. Dẫu biết nếu được thực hiện sớm hơn sẽ tránh lãng phí thời gian và tiền bạc rất nhiều nhưng dù sao động thái cương quyết lần này của chính quyền cũng cho thấy đã đến lúc luật pháp phải được thực thi. Bởi về nguyên tắc, việc thu hồi phải thỏa thuận đền bù sát giá thị trường nhưng rõ ràng ở đây không phải là "cuộc chơi" riêng của người dân và doanh nghiệp.
Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland