Nguồn lực dự phòng cho các hoạt động bị cạn kiệt có thể khiến nhiều doanh nghiệp “chết trên đống tài sản”, nếu dịch bệnh kéo dài. Ảnh: TTXVN
Từ đầu năm 2020 nến nay, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Việt Nam phải chịu ảnh hưởng nặng nề chưa từng có trong lịch sử.
Doanh nghiệp đang kiệt sức
Kể từ khi đợt dịch đầu tiên diễn ra, thị trường bất động sản ngay lập tức hứng chịu hàng loạt khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng bởi quy định giãn cách. Hàng nghìn nhà môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Chưa dừng lại tại đó, từ khó khăn về kinh tế, Covid-19 cũng kéo theo tâm lý khủng hoảng, tâm lý bỏ cuộc của nhiều cá nhân, của hàng trăm đơn vị môi giới bất động sản.
Thị trường càng trở nên nặng nề hơn khi dịch Covid-19 quay trở lại lần thứ 4 này.
Dưới góc độ chủ đầu tư dự án, bà Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết thị trường bất động sản đang đối mặt với thách thức và khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra, việc giãn cách xã hội đã làm thị trường ngưng trệ.
Theo bà Hương, dịch bệnh làm cho kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng. Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, giảm từ 30% thậm chí cao hơn.
Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Năm nay doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản.
“Mặc dù chúng tôi đưa ra kế hoạch doanh thu khá thận trọng với kịch bản sống chung với dịch nhưng vẫn phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh để phù hợp với bối cảnh hiện tại”, bà Hương cho biết.
Cùng với đó, do phải thực hiện giãn cách xã hội nên các hoạt động bán hàng của chủ đầu tư bị ngưng trệ.
Thông thường, một kế hoạch ra hàng có thời gian chuẩn bị 3-6 tháng. Thế nhưng dịch bệnh xảy ra quá nhanh, chủ đầu tư không kịp trở tay nên phải trì hoãn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của chủ doanh nghiệp.
Hình thức bán hàng truyền thống của các doanh nghiệp bất động sản thông qua các sự kiện bán hàng là chính. Tuy nhiên, hai đợt dịch xảy ra liên tiếp vào đầu năm nay làm cho các sự kiện bán hàng không thể tổ chức theo dự kiến.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến, nhưng những nền tảng này lại chỉ phù hợp với các thương hiệu lớn, uy tín. Ngoài ra, thói quen giao dịch truyền thống và yêu cầu khắt khe về pháp lý khiến cho hình thức giao dịch mới này đạt hiệu quả chưa cao.
CEO Đại Phúc Land cũng cho hay, dịch bệnh đã khiến kế hoạch triển khai thi công xây dựng bị đình trệ, hầu hết tiến độ thi công các công trình xây dựng đều bị ảnh hưởng tiến độ.
Bên cạnh đó, giá cả VLXD leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình xây dựng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land.
Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường khi nhóm này rời bỏ thành phố trở về quê.
Chính vì vậy, sau khi dịch bệnh qua đi, việc tìm kiếm nhân công lao động cho các công trình xây dựng cũng là vấn đề lớn của các nhà thầu xây dựng.
Đơn cử như Van Phuc City, bà Hương cho biết trong năm nay chỉ có thể đảm bảo được khoảng 70% tiến độ trong 12 hạng mục công trình xây dựng trọng điểm được triển khai theo kế hoạch.
“Với tình hình thiếu nhân công cũng như gia tăng giá VLXD, việc tái khởi động công trình sau dịch cũng là vấn đề nan giải”, bà Hương chia sẻ.
Ngoài ra, áp lực về dòng tiền và khả năng trả nợ vay cũng là một nỗi lo lớn.
Bà Hương cho rằng, trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay khi doanh thu và dòng tiền sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao.
“Chết trên đống tài sản là tình huống dễ dàng xảy ra trong giai đoạn này nếu không có giải pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng và các bên liên quan”, bà Hương nói.
Một áp lực nữa trong bối cảnh hiện nay của các chủ đầu tư đó là chi phí duy trì hoạt động tại các dự án đã hoàn thành.
Theo CEO Đại Phúc Land, chủ đầu tư thường có nguồn lực dự phòng khá dài hơi do lộ trình triển khai các dự án khá dài hạn. Nhưng với tình trạng doanh thu bị giảm sút thì bài toán duy trì hoạt động sẽ gặp khó khăn.
Để duy trì bộ máy hoạt động của mình, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm thời cắt giảm nhân sự và giảm lương từ 20-30%.
Một thực trạng đáng báo động nữa được doanh nghiệp này chia sẻ là nguồn lực dự phòng cho các hoạt động phục hồi đang bị cạn kiệt.
“Sau gần 2 năm dịch bệnh, nguồn lực dự phòng của các doanh nghiệp đang cạn dần. Từ nay đến khi dịch bệnh qua đi, việc tái đầu tư để khôi phục các hoạt động đầu tư và bán hàng là một thách thức lớn đang đặt ra”, bà Hương nhấn mạnh.
Chưa dừng lại ở đó, các khó khăn về pháp lý dự án vẫn tiếp tục kéo dài là nguyên nhân gây ách tắc nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhiều năm qua.
Theo bà Hương, mặc dù trong năm 2021 có nhiều điểm sáng tháo gỡ về pháp lý với các điều chỉnh sửa đổi của Luật Xây dựng, Luật đầu tư và các văn bản pháp lý liên quan, nhưng sự điều chỉnh này là chưa đủ và chưa đồng bộ, quá trình thực thi còn chậm.
Thực tế này dẫn đến việc triển khai các dự án bất động sản tốn kém gấp đôi, gấp 3 thời gian và nguồn lực so với kỳ vọng, gây lãng phí nguồn lực rất lớn, tác động lên chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm.
30% các sàn giao dịch không trụ nổi
Ngoài chủ đầu tư, các sàn giao dịch bất động sản cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực do đa số đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp có nguồn lực mỏng, không đủ dự phòng khi thị trường ngưng trệ kéo dài, không có sản phẩm để bán dẫn đến doanh thu không có trong khi các chi phí duy trì hoạt động như trả lương nhân viên, chi phí mặt bằng, điệnnước và các chi phí khác vẫn phải chi.
Số lượng nhân viên càng lớn thì áp lực chi phí duy trì hoạt động càng cao. Vì vậy, nhiều sàn giao dịch buộc phải chọn giải pháp thu gọn quy mô, đóng cửa tạm thời, tạm dừng hoạt động để chờ đợi cơ hội thị trường phục hồi.
Tuy nhiên, thiệt hại là không tránh khỏi vì ít nhất có khoảng 30% các sàn giao dịch sẽ không trụ nổi trong đợt đại dịch lần thứ 4 này.
Với tình hình hiện nay, CEO Đại Phúc Land nhấn mạnh đến sự cấp thiết của các giải pháp trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn căng thẳng này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS Group, lại cho rằng hoạt động của các sàn thực tế vẫn đang hết sức bình thường. Nó chỉ khác nhau về sức khỏe tài chính, chiến lược và khả năng của người lãnh đạo mà thôi.
Cụ thể, đối với những sàn giao dịch chưa có tích luỹ (chiếm đến 80%), thường có tâm lý hoang mang giữa việc giữ quân hay cắt giảm, bảo toàn hay tăng trưởng.
Theo ông Tuyển, nhóm các sàn này khó xây dựng được chiến lược lâu dài vì không dày vốn và ít kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng.
Với nhóm còn lại, giai đoạn khủng hoảng là thời gian để chuẩn bị sản phẩm, tuyển dụng và đào tạo nhân viên, đẩy mạnh thu hồi công nợ cũng như phát triển công nghệ sẵn sàng cho kịch bản phục hồi sau đó.
“Sau mỗi đợt khủng hoảng, sẽ có rất nhiều sàn đóng cửa và cũng sẽ có rất nhiều sàn mở mới. Sự thanh lọc giúp cho thị trường có những sàn khỏe mạnh hơn, minh bạch hơn”, ông Tuyển lạc quan.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...