Sau nhiều lần tăng giá thép, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã được cải thiện. Hai “ông lớn” ngành thép là Hòa Phát và Hoa Sen đều có lãi trở lại, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lỗ nhưng số lượng đã ít hơn so với hai quý cuối năm 2022.

“Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua” là phát biểu đáng chú ý của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 3 vừa qua.

Đúng như nhận định của ông Long, bức tranh kinh doanh của ngành thép đã xuất hiện những điểm sáng sau 2 quý thua lỗ kỷ lục. Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán ước đạt khoảng 500 tỉ đồng, dù còn khá khiêm tốn nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức âm 4.700 tỉ đồng ở quý trước.

Hòa Phát, Hoa Sen có lãi trở lại sau 2 quý lỗ nặng

Mặc dù vẫn còn một số cái tên chưa thoát lỗ, nhưng nhìn chung lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp thép trong quý 1 đều đã cải thiện so với nửa cuối năm 2022.

Hòa Phát, Hoa Sen có lãi trở lại

Trong số các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1.2023, đáng chú ý nhất là “ông lớn” Hòa Phát có lãi trở lại bất chấp nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán trước đó dự báo doanh nghiệp này có thể tiếp tục lỗ.

Quý đầu năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận doanh thu đạt 26.865 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ song cải thiện nhẹ so với quý liền trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 383 tỉ đồng. Đây được xem là kết quả khả quan trong bối cảnh doanh nghiệp này đã lỗ tới gần 3.800 tỉ đồng trong hai quý trước đó.

Trong quý cuối năm ngoái, Hòa Phát đạt doanh thu thuần 25.826 tỉ, lỗ gộp lần đầu tiên trong lịch sử 885 tỉ đồng, và lỗ sau thuế kỷ lục 1.999 tỉ đồng. Vào quý 3 trước đó, Hòa Phát cũng lỗ sau thuế 1.786 tỉ đồng.

Tương tự Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng chấm dứt chuỗi hai quý thua lỗ liên tiếp bằng khoản lợi nhuận sau thuế 251 tỉ đồng trong quý 2 niên độ tài chính 2022-2023.

Kết quả kinh doanh quý vừa qua cải thiện rõ rệt là do Hoa Sen đã quản lý hiệu quả các loại chi phí. Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm hai chữ số so với cùng kỳ năm trước.

Tại ĐHĐCĐ thường niên trước đó, lãnh đạo Hoa Sen ước tính lợi nhuận đã có sự hồi phục khả quan kể từ tháng 2 và có thể đạt 50 tỉ đồng trong quý 2 của niên độ tài chính 2023 (tức quý 1 của năm dương lịch 2023) nhờ giá thép phục hồi. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận thực tế 251 tỉ đồng khả quan hơn nhiều so với ước tính trước đó của doanh nghiệp này.

Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (Vnsteel, TVN) và Thép SMC (Mã: SMC), Thép Tiến Lên (Mã: TLH) cũng đều đã có lãi trở lại sau 2 quý lỗ nặng nhưng lợi nhuận vẫn còn rất thấp so với cùng kỳ.

Cụ thể, tại quý 1.2023, lợi nhuận sau thuế của Vnsteel giảm 65% xuống còn 68 tỉ đồng trong khi SMC cũng báo lãi giảm 74% xuống còn gần 21 tỉ đồng. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của Thép Tiến Lên lao dốc tới 93%, còn vỏn vẹn 6,3 tỉ đồng.

Nhiều công ty giảm lỗ

Trong khi đó, Thép Nam Kim (Mã: NKG), Gang thép Thái Nguyên – Tisco (Mã: TIS) và Thép Pomina (Mã: POM) dù chưa thể chuyển lãi nhưng khoản lỗ đã thu hẹp đáng kể.

Hầu hết các doanh nghiệp thép trong quý 1.2023 đều đã cải thiện so với quý trước

Trong quý đầu năm, Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.375 tỉ đồng, giảm gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn so với quý liền trước. Công ty có lãi gộp 138 tỉ đồng, không còn lỗ gộp như quý 3 và 4.2022.

Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Nam Kim lỗ sau thuế quý thứ ba liên tiếp, nhưng mức lỗ chỉ còn 49 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với khoản lỗ 419 tỉ đồng và 356 tỉ đồng của hai quý cuối năm ngoái.

Lãnh đạo Nam Kim đánh giá giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua và kỳ vọng có lãi trở lại trong quý 2.2023 nhờ giá hàng tồn kho bình quân đã về mức thấp.

Tương tự Nam Kim, Thép Pomina cũng báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, mức lỗ 187 tỉ của quý vừa qua thấp hơn nhiều so với số lỗ 461 tỉ đồng của quý 4 và 716 tỉ đồng của quý 3 năm ngoái.

Cũng ghi nhận 3 quý lỗ liên tiếp còn có Tisco khi doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ hơn 19 tỉ đồng trong quý 1.2023. Phía Tisco cho biết, nguyên nhân là những tháng đầu năm nay, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Trên thị trường, tình hình tiêu thụ thép trong tháng 3.2023 ghi nhận sự khởi sắc hơn so với tháng trước khi Chính phủ nhấn mạnh việc thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh việc xây dựng các công trình trọng điểm, các tuyến đường cao tốc.

Đây là cơ hội tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất tìm nguồn cầu đầu ra. Nhưng nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu thụ thép vẫn còn khá yếu khi bất động sản vẫn còn nhiều thách thức.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản xuất thép thành phẩm quý 1.2023 đạt tổng cộng gần 6,7 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp thép chủ yếu đến từ xu hướng tăng của giá thép trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá thép sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay.

Theo VSA, giá thép xây dựng giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định, các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thép thế giới đã không diễn ra như mong đợi.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm