Loạt doanh nghiệp báo lỗ triền miên
Mùa báo cáo tài chính quý 3/2023 vừa mới bắt đầu, hàng loạt doanh nghiệp ngành thép đã đua nhau báo lỗ. Nhu cầu thị trường suy yếu, giá bán giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất tăng cao đang khiến cho hàng loạt doanh nghiệp ngành này phải chật vật xoay xở.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (mã chứng khoán TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, công ty ghi nhận chi phí tài chính 43 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, chủ yếu là lãi vay phải trả. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 36% lên 49 tỷ đồng. Kết quả, Tisco báo lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 5 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Lãnh đạo Tisco cho biết, nguyên nhân thua lỗ là bởi thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm, sản lượng và giá bán giảm mạnh trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể.
Bên cạnh sự đi xuống của hoạt động cốt lõi, công ty còn phải gánh thêm áp lực chi phí lớn hơn. Trong đó, chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17,3 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm nay, Tisco đạt doanh thu gần 6.790 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm 195 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 8 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch doanh thu 15.826 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng cho cả năm 2023 thì khả năng về đích của Tisco vẫn còn xa.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Thép Vicasa - VNSteel (mã chứng khoán VCA) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu thuần đạt gần 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và thua lỗ gần 3 tỷ đồng.
Dù vậy, nhờ kết quả 6 tháng đầu năm tăng cao nên lũy kế 9 tháng năm 2023, Thép Vicasa đạt doanh thu 1.256 tỷ đồng và vẫn có lãi sau thuế hơn 3,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 12,5 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác trong nhóm VNSteel là Thép Thủ Đức - VNSteel (mã chứng khoán TDS), cũng báo lỗ 491 triệu đồng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành thép vì giá và nhu cầu tiêu thụ đi xuống.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Thép Thủ Đức đạt doanh thu thuần 571 tỷ đồng và lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 49% và 73% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chung tình trạng thua lỗ có Công ty CP Thép Nhà Bè - VNSteel (mã chứng khoán TNB). Cụ thể, doanh thu quý 3 của doanh nghiệp đạt 337 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp của TNB cải thiện mạnh từ 1,5 tỷ đồng lên 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến doanh nghiệp báo lỗ 2,7 tỷ đồng, đây cũng là quý lỗ thứ 2 liên tiếp của Thép Nhà Bè sau khi báo lãi trong quý đầu năm 2023. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, công ty đạt doanh thu thuần hơn 1.060 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước và bị lỗ sau thuế 1,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 7 đồng.
Nhiều doanh nghiệp thép khác chưa chính thức công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 nhưng được dự báo vẫn tiếp tục thua lỗ hoặc lợi nhuận teo tóp khi giá bán, mức tiêu thụ chưa hồi phục.
Ngành thép trước ngưỡng chu kỳ mới
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tâm điểm vĩ mô và thị trường chứng khoán quý 4/2023” diễn ra hồi đầu tháng 10, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích SSI cho rằng nền kinh tế trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, số nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương nửa cuối năm nay không nhiều, bao gồm thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ.
Nhu cầu trong nước yếu khiến các nhà máy đã liên tục điều chỉnh giá thép để tăng tính cạnh tranh
Trong nửa cuối năm 2023, SSI cho rằng các doanh nghiệp thép chưa quay lại mức trung bình, nhưng sẽ cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính đến từ lượng bán hàng đã cải thiện, đặc biệt là kênh xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép không còn phải trích lập hàng tồn kho lớn như nửa cuối năm 2022.
Tuy nhiên, theo SSI giá thép ở thời điểm hiện tại cũng chỉ mới đi ngang, chưa tăng. Sau giai đoạn tăng nóng từ đầu năm, từ tháng 4/2023 đến nay giá thép xây dựng trong nước đã quay đầu giảm liên tiếp 20 lần với mức giảm khoảng 3 triệu đồng/tấn.
Hiện giá mặt hàng này đang dao động ở mức 13 triệu đồng/tấn, đây cũng là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoei, Pomina. Sự không ổn định của giá thép khiến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như phân phối mặt hàng này theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nhu cầu trong nước yếu nên các nhà máy đã liên tục điều chỉnh giá để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, động thái hạ giá bán các mặt hàng thép xây dựng đã phần nào giúp cải thiện tình hình sản xuất và tiêu thụ trên thị trường.
Theo số liệu thống kê của VSA, sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 9 vừa qua đạt mức sản lượng bán hàng trong tháng cao nhất kể từ đầu năm 2023. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt hơn 876.000 tấn, giảm 6% so với tháng trước và giảm 20% so với cùng kỳ. Bán hàng thép xây dựng đạt hơn 959.000 tấn, tăng 9% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
VSA cho rằng các lĩnh vực gặp khó thời gian qua như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, bất động sản… sẽ tiếp tục cải thiện, trong khi đó đầu tư công tiếp tục được đẩy sẽ hỗ trợ tích cực cho nhu cầu cầu thép những tháng cuối năm.
Bước sang năm 2024, SSI dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất bên cạnh bán lẻ, phân bón, thuỷ sản.
“Giá thép đang ở mức thấp trong nhiều năm, do vậy thời gian tới nhiều khả năng giá thép sẽ phục hồi mặc dù việc mức độ và thời gian tăng vẫn còn là yếu tố chưa rõ ràng. Tính trung bình, mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm 2024 có thể đạt khoảng 70 - 80%”, SSI nhận định.
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.
-
Triển vọng ngành thép 2025 ra sao khi thị trường bất động sản, xây dựng hồi phục?
Thị trường thép năm 2025 được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ thị trường bất động sản hồi phục, hoạt động xây dựng cải thiện; kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay với nhiều dự án trọng điểm tới hạn hoàn thành trong năm....