Đầu tư mạnh, chấp nhận khó khăn và nặng gánh chi phí nợ vay để giữ thị phần, làm đòn bẩy tăng trưởng cho tương lai là hướng đi của nhiều ông lớn ngành thép hiện nay.

Doanh thu tăng, lợi nhuận lao dốc

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tiêu thụ thép trong quý 1.2022 của toàn ngành đạt gần 3 triệu tấn, cao hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 460.000 tấn, tăng 55%.

Trong giai đoạn này, giá thép trong nước đã liên tục phá đỉnh với tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 lên hơn 19 triệu đồng/tấn trong 3 tháng đầu năm. Như vậy, giá thép xây dựng các loại trung bình trong quý 1.2022 khoảng 18,89 triệu đồng/tấn, tăng 3,5% so với quý 4.2021.

Giá thép và sản lượng tiêu thụ cùng đi lên là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp thép. Cụ thể, kết thúc quý đầu năm 2022, doanh thu của các ông lớn ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim đều có bước tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc trong quý đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp thép còn phải gánh thêm những khoản nợ cả nghìn tỉ đồng

Tại Tập đoàn Hòa Phát, sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) trong 3 tháng đầu năm đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tiêu thu thép liên tục đạt kỷ lục cùng với giá thép tăng mạnh từ đầu năm đã giúp doanh thu trong quý 1.2022 của Hòa Phát tăng tới 41% so với cùng kỳ, đạt 44.000 tỉ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen cũng ghi nhận doanh thu trong quý 2, niên độ 2021-2022 có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, doanh thu thuần trong giai đoạn này của Hoa Sen tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12.661 tỉ đồng. Trong ba tháng đầu năm 2022, Hoa Sen đã tiêu thụ hơn 354.000 tấn tôn mạ và 107.000 tấn ống thép, lần lượt chiếm 28,2% và 14,4% thị phần toàn ngành.

Tương tư, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 7.151 tỉ đồng trong quý vừa qua, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong kỳ, Nam Kim tiêu thụ gần 214.000 tấn tôn mạ, tăng trưởng 10% so với quý 1.2021.

Tuy nhiên, doanh thu tăng cao nhưng giá vốn hàng bán còn đi lên mạnh hơn, dẫn tới lợi nhuận gộp trong giai đoạn này của nhiều doanh nghiệp thép sụt giảm.

Đơn cử như trường hợp tại Tập đoàn Hoa Sen. Cụ thể, kết quả kinh doanh của Hoa Sen trong giai đoạn này lao dốc mạnh khi lãi sau thuế giảm tới 77% còn vỏn vẹn 234 tỉ đồng. Theo đó, do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Hoa Sen tăng thêm 378 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân khiến lợi nhuận của tập đoàn này đi xuống rõ rệt.

Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng ghi nhận mức lãi sau thuế trong quý 1 giảm hơn 50% xuống còn 195 tỉ đồng, lợi nhuận thuần giảm từ 4,2% xuống còn 1,6%.

Ngoài ra, một loạt các doanh nghiệp thép vừa và nhỏ khác đều ghi nhận biên lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

Quý 1 vừa qua, Thép Việt Ý vừa qua đã thông báo doanh thu thuần tăng trưởng 19% lên 1.343 tỉ đồng nhưng lỗ sau thuế 36,5 tỉ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC cũng ghi nhận doanh thu thuần trong quý 1.2022 tăng trưởng 31% lên 6.630 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lao dốc tới 62,6% còn 80,5 tỉ đồng. Doanh thu thuần của Thép Tiến Lên cũng có sự tăng trưởng gần 84% lên 1.796 tỉ đồng nhưng lãi sau thuế cũng giảm 28% còn 86,4 tỉ đồng.

Vay nợ để đầu tư

Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc trong quý đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp thép còn phải gánh thêm những khoản nợ cả nghìn tỉ đồng.

Tập đoàn Hòa Phát vay 35.000 tỉ đồng, tương đương hơn 40% tổng vốn dự kiến để làm dự án Dung Quất 2

Tính đến hết quý 1.2022, số nợ của các doanh nghiệp thép, đặc biệt là các ông lớn như Hòa Phát, Hoa Sen hay Nam Kim đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua.

Cụ thể tại Tập đoàn Hòa Phát, tính đến 31.3.2022, nợ vay của doanh nghiệp này cán mốc gần 86.889 tỉ đồng, chiếm khoảng 46,7% tổng tài sản của Hòa Phát. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 74.448 tỉ đồng, nợ vay dài hạn tăng lên 14.442 tỉ đồng.

Hiện Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với công suất 8,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có hơn 5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn không dừng lại mà đang triển khai dự án Dung Quất 2 với tổng mức đầu tư 85.000 tỉ đồng.

Mới đây, trong ĐHĐCĐ thường niên 2022, Chủ tịch tập đoàn này cho biết, sau Dung Quất 2, Hòa Phát đang nghiên cứu đầu tư nhà máy thép mới với công suất 6 triệu tấn/năm. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam. Theo đó, bên cạnh mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC, dự án này còn sản xuất thép U, thép Y. Dự án sẽ triển khai sau năm 2025.

Trên thực tế, để có được cơ ngơi kỳ vọng, quy mô nợ vay tại Hòa Phát đã tăng rất mạnh trong vài năm gần đây.

Riêng với dự án Dung Quất 2, Hòa Phát vay các ngân hàng 35.000 tỉ đồng, tương đương hơn 40% tổng vốn dự kiến, phần còn lại là vốn điều lệ của tập đoàn. Được biết, các khoản vay có thời hạn 7 năm kể từ ngày ký kết, được ân hạn 2 năm và thời gian rút vốn là 24 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

Việc tăng vay nợ để đầu tư vào dự án mới, cộng với quy mô vay nợ lớn trước đó để phục vụ nhu cầu vốn lưu động đã đẩy tổng giá trị các khoản vay của Hòa Phát lên hàng chục nghìn tỉ đồng.

Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng nhu cầu vốn trong thời gian tới là rất lớn, ngay cả với tỷ lệ cổ tức tiền mặt 5% cũng hơi nhiều, dù Hòa Phát có khoảng 40.000-45.000 tỉ đồng tiền mặt để ở ngân hàng. Theo lý giải của lãnh đạo tập đoàn này, với quy mô hoạt động hiện nay, Hoà Phát cần 20.000 tỉ đồng là “tiền lỏng” phục vụ cho hoạt động bình thường.

Tương tự, tại Tập đoàn Hoa Sen, tổng tài sản của doanh nghiệp này tính đến ngày 31.3.2022 là 22.212 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay của Hoa Sen cán mốc gần 10.707 tỉ đồng, chiếm khoảng 48,2% tổng tài sản của doanh nghiệp này.

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cho biết trong thời gian tới, công ty sẽ không đầu tư sản xuất nữa mà mở rộng phân phối. Cụ thể, lãnh đạo Hoa Sen nhận định mảng sản xuất tôn, thép đã hết dư địa phát triển, hoạt động phân phối sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất. Do đó, Hoa Sen sẽ tạo dựng thương hiệu trong mảng phân phối nội thất và vật liệu xây dựng.

Nhằm thực hiện hoá bước chuyển đổi này, Hoa Sen đã thông qua chủ trương thành lập mới Công ty cổ phần phân phối Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và Hoa Sen Home.

Đầu tư mạnh, chấp nhận khó khăn và thậm chí nặng gánh chi phí nợ vay để giữ thị phần và làm đòn bẩy tăng trưởng cho tương lai, cũng là cách đi mà Nam Kim đang thực hiện.

Trong năm 2022, Nam Kim sẽ triển khai xây dựng dự án nhà máy mới có tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng. Theo đó, dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ có công suất dự kiến 1,2 triệu tấn/năm. Các sản phẩm chính của nhà máy bao gồm tôn cán nguội, thép cuộn, tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), thép ống, thép hộp, thép hình, thép mạ kẽm, băng thép đen…

Điều này đồng nghĩa tổng công suất của Nam Kim sau khi nhà máy mới đi vào hoạt động được nâng lên hơn 2.2 triệu tấn/năm.

Được biết, dự án mới của Nam Kim sẽ được chia làm 3 giai đoạn (công suất 400.000 tấn/giai đoạn). Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến được đưa vào sản xuất trong năm 2024 và điểm rơi hoàn thành giai đoạn 3 sẽ vào khoảng năm 2027.

Tính tới ngày 31.3.2022, tổng nợ phải trả của Nam Kim là gần 10.200 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 10.148 tỉ đồng, nợ dài hạn là 52 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng theo đó tiếp tục tăng tới 55% so với cùng kỳ, lên hơn 73,5 tỉ đồng.

Tương tự, Gang Thép Thái Nguyên cũng đang đối mặt với gánh nợ hàng nghìn tỉ đồng. Theo đó, nợ gia tăng kéo theo áp lực lãi vay cũng ảnh hưởng ít nhiều tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Đến hết quý 1.2022, tổng tài sản của Gang Thép Thái Nguyên là 11.100 tỉ đồng, tăng 7,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm gần 55% cơ cấu tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 6.100 tỉ đồng. Cụ thể, 99,7% là chi phí cải tạo dự án Gang thép giai đoạn 2 với ổng giá trị đầu tư của dự án là 6.075 tỉ đồng.

Được biết, chi phí phát sinh chủ yếu trong quý 1 của doanh nghiệp này là chi phí lãi vay vốn hóa với gần 2.789 tỉ đồng. Hiện nay, Thép Thái Nguyên đang còn khoảng 2.200 tỉ đồng nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán nhưng chưa có nguồn trả nợ.

Đến nay, dự án Tisco giai đoạn 2 đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, ban lãnh đạo đã cùng Tổng công ty Thép Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan để tháo dỡ các khó khăn cho dự án.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.