Giá nguyên liệu đầu vào và giá thép tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến giá trị hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp thép tăng đột biến.

Thời gian qua, thị trường toàn cầu đã chứng kiến làn sóng tăng giá chóng mặt của các loại nguyên vật liệu đầu vào từ thép, đồng đến dầu khí và phân bón do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp thép trong nước lựa chọn tích trữ tồn kho nhiều hơn để phục vụ các kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc tích lũy sớm nguyên vật liệu trong xu hướng tăng của giá hàng hóa nhằm giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, hạn chế tình trạng thiếu hụt các yếu tố đầu vào trong sản xuất - kinh doanh.

Tồn kho của doanh nghiệp thép tăng cao

Việc giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp thép lựa chọn tích trữ tồn kho nhiều hơn để phục vụ các kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh

Thống kê số liệu báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp thép cho thấy tại thời điểm 31/12/2021, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho nhiều nhất với 42.370 tỉ đồng, tăng thêm 60% so với hồi đầu năm. Tỷ trọng tồn kho trên tổng tài sản cũng tăng mạnh lên 23,6%, từ mức gần 20% so với thời điểm đầu năm 2022.

Hòa Phát ghi nhận lượng hàng tồn kho cao nhưng không phải doanh nghiệp duy nhất tích lũy cho đầy thêm kho hàng. Theo BCTC hợp nhất quý 1/2022, các doanh nghiệp như Hoa Sen, Thép Nam Kim, Thép Tiến Lên hay Thép SMC đều ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng mạnh.

Cụ thể, tính đến cuối quý 1/2022 tổng tài sản của Thép Nam Kim tăng 6,8% so với đầu năm lên 16.437 tỉ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 8.502 tỉ đồng, chiếm 51,7% tổng tài sản. Với sản phẩm chính là tôn lạnh, tôn mạ kẽm và các sản phẩm thép công nghiệp, Nam Kim là một trong các doanh nghiệp hưởng lợi từ việc xuất khẩu do thiếu hụt nguồn cung tạm thời và đà tăng của giá thép tại châu Âu.

Sức tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh là một trong nguyên nhân khiến công ty phải tăng tích trữ tồn kho, đặc biệt là tồn kho nguyên vật liệu, để mở rộng sản xuất.

Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong năm 2022, đã làm cho lượng hàng tồn kho của Thép SMC tăng mạnh. Tính đến hết cuối quý 1, hiện quy mô tài sản của Thép SMC đạt hơn 9.928 tỉ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu nằm ở hàng tồn kho, tăng 20%.

Cụ thể, hàng tồn kho của Thép SMC đã tăng từ 2.500 tỉ đồng tăng lên 3.000 tỉ đồng tính đến 31/3/2022. Điều này khiến hoạt động kinh doanh của công bị trì trệ, khó quay vòng được đồng vốn.

Tương tự, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu trong quý 1/2022 đạt 1.795,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 86,3 tỉ đồng, lần lượt tăng 83,4% và giảm 28,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính tới 31/3, tổng tài sản của công ty tăng 3,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 130,9 tỷ đồng lên 4.326 tỉ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 2.572 tỉ đồng, chiếm 59,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 641,5 tỉ đồng, chiếm 14,8% tổng tài sản và các tài sản khác.

Doanh nghiệp ngành thép đặt cược vào tồn kho tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Đi cùng lượng tồn kho tích lũy tăng cao trong giai đoạn này còn có Gang thép Thái Nguyên. Ở quý 1/2022, công ty chỉ đạt mức biên lợi nhuận gộp 3,7% tuy nhiên, công ty đã tích thêm cả ngàn tỷ đồng tồn kho, chủ yếu là mua thêm nguyên vật liệu.

Bên cạnh đó còn ghi nhận trường hợp hàng tồn kho của Thép Pomina cũng tăng mạnh trong năm 2022 khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này âm gần 544 tỉ đồng, nhưng được bù đắp nhờ dòng tiền tài chính dương 835 tỉ đồng.

Có đáng lo?

Hiện tượng tăng đột biến về giá trị hàng tồn kho chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào và giá thép thành phẩm tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, diễn biến của giá thép trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép.

Đây cũng là “con dao hai lưỡi” khi doanh nghiệp ngành thép đặt cược giữa xu hướng tăng - giảm khó lường của giá nguyên vật liệu và nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường, nhất là khi gia tăng tồn kho bằng nguồn vốn từ các khoản nợ vay.

Theo đó, nếu giá thép tiếp tục đi lên, các doanh nghiệp sẽ lãi lớn, nhưng nếu giá thép đi xuống, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro.

Hiện nay, giá bán thép các loại cũng như giá thép cuộn cán nóng HRC thế giới và trong khu vực hồi phục trở lại kể từ đầu năm 2022. Điều này mang lại tín hiệu tích cực trong kết quả kinh doanh quý 01/2022 khi các doanh nghiệp thép được hưởng lợi nhờ khoảng chênh lệch tồn kho với giá vốn thấp hơn trước đó.

Còn về tình hình giá thép trong nước hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, các nhà máy điều chỉnh giá bán thép thành phẩm để bù lại một phần giá thành sản xuất, việc này khiến lượng bán tăng do đầu cơ của nhà phân phối. Theo đó, triển vọng thị trường năm 2022 bắt đầu với một mặt bằng giá mới khi giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng và nhu cầu trong nước có tín hiệu tốt.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.