27/10/2017 1:09 PM
CafeLand - Có không ít doanh nghiệp bất động sản “lớn nhanh như thổi” sau khi có được quỹ đất dồi dào thông qua hình thức đầu tư BT (Xây dựng - Chuyển giao). Nhiều chuyên gia cho rằng, hình thức BT hiện nay đã không còn phù hợp và trở thành mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp và các nhóm lợi ích trục lợi.

Việc chỉ định thầu thay vì đấu thầu thiếu minh bạch và nguy cơ thất thoát khi thực hiện các dự án BT

Theo đó, phần lớn các dự án BT hiện nay thực hiện không thông qua đấu thầu mà là chỉ định thầu. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát và tham nhũng.

Mục đích cuối cùng của doanh nghiệp khi tham gia BT là quỹ đất. Các doanh nghiệp sau khi tham gia đầu tư một công trình hạ tầng thường được giao quỹ đất ngay dự án. Họ nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất đô thị xây chung cư, nhà phố bán với giá cao gấp nhiều lần.

Trong một hội thảo về hình thức BT vừa tổ chức mới đây, một chuyên gia đưa ra ví dụ, khi thực hiện dự án đường trục phía Bắc Hà Đông (Hà Nội), giá đất được giao cho chủ đầu tư chỉ khoảng 8,5 triệu/m2. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường này được xây dựng và hoàn thành giá đất dọc trục đường này đã tăng chóng mặt lên 30 – 40 triệu/m2.

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) chỉ phù hợp trong giai đoạn thập niên 90. Khi đó, thị trường bất động sản chưa định hình, nhiều khu đất muốn phát triển đòi hỏi nhiều sức lực đầu tư, nguồn vốn lớn nên chủ trương đổi đất lấy hạ tầng phát triển.

Tuy nhiên, hình thức này hiện đã không còn phù hợp, hiện tại thị trường bất động sản đã trưởng thành, giá trị của từng khu đất đã được xác định, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia để thực hiện dự án.

Mặt khác, hạ tầng giao thông, cầu đường luôn có những kế hoạch xây dựng rõ ràng và đòi hỏi đơn vị thi công phải có năng lực thực sự, có kinh nghiệm chứ không phải ai cũng làm được.

Do đó, cần phải tách biệt hai việc này. Đấu thầu giao thông riêng và đấu giá đất riêng. Như vậy sẽ tránh được trường hợp, các nhà kinh doanh bất động sản không có kinh nghiệm làm cầu đường nhưng vì muốn có lô đất nên tham gia và ngược lại những đơn vị có kinh nghiệm làm cầu đường nhưng không thể phát huy được hiệu quả trong đầu tư dự án bất động sản.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hình thức đầu tư BT tiềm ẩn những nguy cơ gây thất thoát và tham nhũng rất lớn.

Các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai đã làm suy giảm tính cạnh tranh, minh bạch thông tin. Trong khi đó, quỹ đất đối ứng trả cho doanh nghiệp thường lớn hơn thực tế dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, việc xác định giá trị của khu đất tại thời điểm giao đất luôn tiềm ẩn những nguy cơ thất thoát, vì mỗi loại đất lại được định giá giá trị khác nhau.

“Nếu chủ đầu tư xây dựng một con đường, rồi lấy quỹ đất đối ứng hai bên đường thì giá đất phải được xét duyệt sau khi hình thành con đường mới đảm bảo được tối đa giá trị, nhưng nguyên tắc này rất ít khi được thực hiện”, ông Võ nói.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.