23/10/2017 9:36 AM
Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, là kênh huy động vốn hiệu quả từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hình thức đầu tư BT cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm do khoản lợi sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa.
Mua - bán không theo cơ chế thị trường
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề đặt ra của cơ chế đổi đất lấy hạ tầng là giá trị đánh đổi như thế nào.
Cụ thể, giá trị con đường hay công trình hạ tầng nói chung được xây dựng do định giá, quyết toán, kiểm toán, hay chỉ lấy theo giá trị khái toán trong dự án? Đất đai 2 bên đường đổi lấy được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở? Đất để thực dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị được tính giá ra sao? Tuy nhiên, trong thực tế tất cả phần giá trị của hạ tầng và giá trị đất đai đem “đổi chác” hoàn toàn mù mờ, chưa có quy định để đảm bảo minh bạch, nhất quán trong thực thi.
Dự án BT, về nguyên tắc đất đai trả cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng đã được hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập. Nhưng Nghị định 15 lại cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai xây dựng công trình hạ tầng, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án BT. Quy định như vậy chứa đựng nguy cơ tham nhũng và khả năng thất thoát tài sản đất đai rất lớn.
TS. Phạm Quang Tú
Tổ chức Oxfam
Năm 2004, Nghị định 181/2004/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đất đai 2003, đã khai tử cơ chế đổi đất lấy hạ tầng bằng quy định thực hiện đấu giá đất sau khi phê duyệt quy hoạch hạ tầng để lấy tiền xây dựng hạ tầng, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đến năm 2007, một số dự án BT được đề xuất và chấp thuận nhưng chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Các nhà quản lý và nhà đầu tư vi phạm Nghị định 181 nhưng dự án vẫn được thực hiện và không ai bị quy vi phạm pháp luật. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội có tới 14 dự án chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và cả 15 dự án này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.
TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho rằng bất cập của BT là do công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Hệ quả đã không phát huy tốt nhất nguồn lực xã hội.
Nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế và thiếu kinh nghiệm quản lý, đã không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước), BT là giao dịch đầu tư - thương mại điển hình phi thị trường và lợi ích nhóm. Dự án BT về bản chất là một giao dịch mua sắm công, với điều kiện thanh toán chậm hay thanh toán sau.
Dù là hoạt động mua - bán nhưng không theo cơ chế thị trường, bởi bên mua là Nhà nước không có sản phẩm cùng loại để có điều kiện lựa chọn, và bên bán không có ai để phải cạnh tranh trực tiếp trong chào giá cạnh tranh do chỉ định thầu. Việc thiếu công khai đã hạn chế số lượng các nhà đầu tư tiềm năng có thể tham gia vào các dự án, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Hình thức đầu tư BT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai.
Hạn chế tối đa chỉ định thầu
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, để khắc phục và hạn chế tiêu cực trong thực hiện dự án BT, khung pháp luật điều chỉnh đối với các dự án này cần bổ sung các quy định: chỉ áp dụng đối với các địa phương chậm phát triển, phải nhận trợ giúp từ ngân sách; cần có quy định chi tiết về phân tích chi phí - lợi ích giữa cơ chế BT và cơ chế Nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng hạ tầng làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án BT; không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá giá trị…
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan khi nhận được ý kiến giám sát của dân.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nhấn mạnh: “Để công khai và minh bạch, khi triển khai các dự án BT cần thực hiện phương thức đấu thầu dự án, kết hợp đấu giá các lô đất vừa đủ để thực hiện dự án. Cần hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh”.
Còn PGS.TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V, đề nghị cần xây dựng quy trình kiểm toán đối tác công tư nói chung và hợp đồng BT; đề xuất kiểm toán các dự án BT ngay từ khâu lập chủ trương đầu tư, cho đến công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và hoàn thành quyết toán và kết thúc việc thanh toán bao gồm toàn bộ phương án tài chính từ ngân sách hay trái phiếu chính phủ và thông qua trao đổi quyền sử dụng đất…
Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Ngọc Quang (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.