CafeLand – Mặc dù đã có Pháp lệnh ngoại hối không được thực hiện giao dịch, thanh toán,… bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở Pháp lệnh này để “lách luật” bằng việc vẫn tiến hành niêm yết, thanh toán bằng VND nhưng được quy đổi sang giá USD. Và người trong cuộc sẽ chịu thiệt vẫn là người mua.


Theo Nghị định 160/2006/NĐ-CP (28/12/200) mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết hay quảng cáo khác điều phải thực hiện đơn vị tiền tệ duy nhất là đồng Việt Nam.

Xử lý hợp đồng bằng ngoại tệ ai chịu thiệt?

Theo Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định, các cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được phép cất giữ, mang theo người, cho tặng, bán cho ngân hàng. Nghị định cũng quy định rõ mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết hay quảng cáo khác điều phải thực hiện đơn vị tiền tệ duy nhất là đồng Việt Nam.

Thế nhưng, trong Nghị định không có hạng mục nào quy định việc không được quy đổi VND sang USD trong giao dịch.

Vì thế, nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên thực hiện hình thức này mà không sợ sai luật. Thực tế, trước đây một thời gian, nhiều dự án, từ khâu mở bán đến việc niêm yết giá cũng như 100 % các giao dịch được thực hiện bằng đồng USD như: Dự án Keangnam Landmak Tower (Hà Nội), dự án Hillstate Villa 1, dự án Indochina Plaza Hanoi…Hay trường hợp dự án Tòa nhà hỗn hợp Hattoco (Mỗ Lao, Hà Đông) bất ngờ quy đổi giá nhà trong hợp đồng mua bán từ tiền Việt sang USD khi giá ngoại tệ lên cao.

Lấy ví dụ một trường hợp quy đổi ra USD: Chị A mua một căn hộ rộng 107m2 vào đầu năm 2009 với giá 15,5 triệu đồng/m2 dưới hình thức được hỗ trợ vốn từ dự án B. Tổng giá trị căn hộ có giá trị là 1,6 tỷ đồng do Công ty C làm chủ đầu tư. Chiếu theo hợp đồng vay vốn, chị A đã đóng góp 30% giá trị căn hộ. Thế nhưng, đầu tháng 10/2010, trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư C đã quy đổi đơn giá cố định mỗi m2 ra USD với tỷ giá là 19.500 đồng/USD. Giá bán 15,5 triệu đồng/m2 của căn hộ sẽ được quy đổi thành 797 USD. Tức là giá bán căn hộ tại thời điểm ký hợp đồng góp vốn là 1,6 tỷ đồng tương đương với 82.000 USD.

Trong trường hợp này, hợp đồng vay vốn của chị A không hề có việc giá bán căn hộ tính bằng USD và 30% giá trị căn hộ được quy bằng tiền Việt thì khi chuyển sang hợp đồng mua bán, giá bán cũng giữ nguyên theo tiền Việt. Như vậy, chủ đầu tư bất ngờ quy đổi giá bán từ tiền Việt sang USD trong khi tỷ giá đang cao ngất ngưỡng là “bắt chẹt” khách hàng.

Không chỉ riêng chị A mà nhiều người khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu biết trước giá tính căn hộ được tính theo tỷ giá đô la, họ sẽ chọn kênh đầu tư khác để ít rủi ro hơn. Bởi như thế nào chăng nữa khi tỷ giá đô la leo thang đến chóng mặt thì việc quy đổi theo giá USD, người chịu thiệt thòi vẫn là người dân chứ không ai khác.

Luật có đủ giải quyết?

Mặc dù đã có quy định không được thực hiện giao dịch, thanh toán,… bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam nhưng xem ra các doanh nghiệp vẫn có đủ lý lẽ để biện minh cho mình. Bởi trên thực tế, hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và người mua vẫn là VND, hình thức giao dịch cũng là VND. Chính vì thế, người mua khó lòng mà đối đáp với chủ đầu tư, họ chỉ còn biết “ngậm bồ hòn” vì không đủ lý lẽ để phản bác lại.

Trên thực tế có rất nhiều hợp đồng kinh tế, dân sự, thương mại thỏa thuận giao dịch và thanh toán bằng ngoại tệ giữa các công ty, cá nhân với nhau được ký kết. Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, các bên có tranh chấp và yêu cầu tòa án can thiệp thì hậu quả pháp lý của hợp đồng khi vi phạm quy định về tiền tệ được các tòa án Việt Nam giải quyết như thế nào?

Theo Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chia ra làm hai trường hợp. Trường hợp 1, nếu hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ mà một hoặc các bên ký kết không được phép thanh toán bằng ngoại tệ thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

Trường hợp 2, nếu hợp đồng thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng VND hoặc thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó thỏa thuận thanh toán bằng VND thì hợp đồng không bị coi là vô hiệu toàn bộ.

Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ xét ở một khía cạnh thanh toán, nghĩa là hợp đồng vẫn được công nhận hợp pháp nếu đảm bảo được điều kiện thanh toán bằng VND cho dù có thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ.

Theo phân tích CafeLand, thiết nghĩ cần có một quy định cụ thể hơn trong vấn đề sử dụng ngoại hối. Bởi thực tế hiện nay còn quá nhiều tranh cãi. Đây là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, đồng thời làm ảnh hưởng đến chính sách ngoại hối của nhà nước.

Công Lý
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland