Thị trường bất động sản vốn phải chịu chi phối nhiều Luật, nghị định chồng chéo, thế nhưng liên tiếp trong thời gian gần đây các doanh nghiệp bất động sản lại được “đón” nhận thêm nhiều quy định mới khiến cho nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó.
Nghị định 69 gõ cửa doanh nghiệp địa ốc Hà Nội

Sau khi gây “chấn động” tại Tp.HCM và nhận nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp bất động sản Sài Gòn, Nghị định 69/NĐ-CP quy định về việc thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường đối với các doanh nghiệp (DN) khi thực hiện các dự án nhà ở đã bắt đầu gõ cửa Hà Nội.

Ông Nguyễn Gia Long - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty cổ phần Tài Nguyên cho biết, việc áp thu tiền sử dụng đất 100% theo giá thị trường sẽ khiến cho giá đất tăng cao do vậy doanh nghiệp bắt buộc phải tăng chi phí kéo theo đó là giá bất động sản cũng sẽ tăng lên. Cuối cùng, tất cả đều tính vào giá thành sản phẩm và người phải gánh chịu sẽ vẫn là khách hàng, các nhà đầu tư. Còn trong trường hợp doanh nghiệp tính toán nếu thu không đủ chi, họ sẽ dừng không triển khai dự án, nhà nước cũng sẽ không thu được thuế, còn người dân không mua được nhà. Rõ ràng, sẽ không có ai được hưởng lợi.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải lo “gồng gánh” do dự án bị chậm tiến độ do không thoả thuận được giá đền bù cho người dân. Bây giờ thêm nghị định 69 chi phí bỏ ra càng nhiều, nếu làm dự án không tính toán kỹ sẽ phải chịu lỗ.

Theo ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc công ty BĐS Xanh, việc áp dụng giá đất theo giá thị trường sẽ phản ánh đúng quy luật của thị trường và khi nhà nước đã đưa ra một ngưỡng thị trường sẽ tự quyết định. Cụ thể, trong trường hợp chủ đầu tư không thoả thuận được mức giá đền bù theo thị trường (tất cả các chi phí về đất) hoặc sau khi lên bài toán kinh doanh nếu không có lãi hoặc lãi không như kỳ vọng họ sẽ không làm nữa, nhà nước cũng sẽ không thu được thuế, còn người dân không mua được nhà. Như vậy, không có ai được hưởng lợi.

Thông tư 19 - chiếc van tín dụng đang bị khoá

Việc Ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 19 sửa đổi một số điểm mấu chốt của Thông tư 13, tuy nhiên theo đó, hệ số rủi ro trong đầu tư bất động sản gần như giữ nguyên ở mức 100% lên 250%. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây được coi như van tín dụng hạn chế nguồn tiền vào thị trường bất động sản. Việc này cũng gây nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư khi thực hiện dự án bởi họ sẽ không dễ dàng để tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Ông Lê Huy Đông - Tổng GĐ Công ty CP Bất động sản VIG cho rằng, ảnh hưởng trực tiếp nhất ở đây chính là các khách hàng cá nhân muốn vay vốn để mua bất động sản. Việc thắt chặt tín dụng sẽ khiến sức tiêu thụ, lượng giao dịch của thị trường giảm đáng kể.

Còn với các doanh nghiệp thì trong hơn một năm qua, việc vay vốn ngân hàng để làm dự án đã không dễ dàng nên xu hướng chung là doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang huy động từ các nguồn cũng như các hình thức khác.

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, trong trường hợp vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì chúng tôi buộc phải quay sang hợp tác, liên doanh liên kết nhiều doanh nghiệp khác để cùng nhau thực hiện dự án và phân chia lợi nhuận.

Thị trường bất động sản gần như đang “nghẹt thở” khi phải chịu chi phối của quá nhiều luật định. Do vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản khiến nghị các cơ quan quản lý không nên sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà nên đưa ra công cụ quản lý chặt để kiểm soát như thuế chẳng hạn.
Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland