CafeLand - Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị, đề xuất một loạt giải pháp nhằm phục hồi thị trường bất động sản trước khi tham dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày mai, 9/5.

Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách.

Xin hỗ trợ về cơ chế chính sách

HoREA cho biết thị trường bất động sản đã gặp khó khăn, vướng mắc từ hai năm 2018 và 2019, với hàng trăm dự án bị ách tắc. Nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh, giá nhà tăng.

Điều này dẫn đến người có nhu cầu thực khó tạo lập nhà ở, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và bất động sản bị sụt giảm. Dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 dẫn đến phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng. Năm 2009, gói kích cầu đầu tư có giá trị khoảng 1 tỉ USD và điều chỉnh giảm dần lãi suất cơ bản đã giúp nền kinh tế và thị trường bất động sản phục hồi.

Nhưng việc kích cầu đầu tư và phát triển nóng lại gây ra bong bóng bất động sản năm 2010, dẫn đến việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ đầu năm 2011, làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng lần thứ hai.

Năm 2013, gói kích cầu tiêu dùng 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và kéo theo sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế.

Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua cho thấy, thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh.

Do vậy, “doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách. Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế”, văn bản của hiệp hội có đoạn viết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, gợi ý trước hết các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1-2 phòng ngủ, nhà ở xã hội.

Mặt khác, cần chuẩn bị sẵn sàng hấp thụ làn sóng đầu tư nước ngoài, trong trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19.

Sớm ban hành quy trình bốn bước

Cũng trong văn bản, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện

Theo quy trình thủ tục hiện nay, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất dự án, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp giấy phép xây dựng, mới được thi công.

Quy trình, thủ tục này làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, làm tăng chi phí đầu tư, doanh nghiệp bị chôn vốn, làm tăng giá thành, tăng giá bán nhà, mà cuối cùng người mua phải gánh chịu.

Bởi lẽ, thời gian làm thủ tục tính tiền sử dụng đất phải mất trên dưới ba năm, thậm chí lâu hơn. Thời gian thi công mất trên dưới hai năm mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn.

“Quy trình này cũng không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vì pháp luật về xây dựng không quy định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi mới được thi công các công trình của dự án”, HoREA cho biết.

Cũng theo tổ chức này, pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản chỉ quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong hai trường hợp: trước khi bán nhà ở có sẵn, hoặc bán nhà ở hình thành trong tương lai và trước khi lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ” dự án.

Do vậy, hiệp hội đề xuất quy trình chuẩn bốn bước. Trong đó, bước đầu tiên là lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Bước thứ hai là lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Bước thứ ba là lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Bước thứ tư là công nhận chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng (chủ đầu tư được khởi công xây dựng), lập thủ tục xác định tiền sử dụng đất, cấp “số đỏ” dự án.

Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (vay mới) và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.

Đồng thời, tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, cũng được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...

  • Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...

  • Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.