Ảnh minh họa.
Kỳ hạn phát hành chủ yếu từ 1-3 năm, lãi suất phát hành đối với nhóm ngành bất động sản dao động trọng khoảng 8,5%-12,5%/năm. Đối với nhóm ngân hàng (không phải trái phiếu tăng vốn cấp 2) dao động trong khoảng 3- 4,2%/năm.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 306 đợt phát hành trái phiếu trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 186.683 tỷ đồng, trong đó có 293 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 177.098 tỷ đồng, và 13 đợt phát hành ra công chúng giá trị 9.584 tỷ đồng.
Nhóm các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 68.113 tỷ đồng. Trong đó, có 85,3% trái phiếu phát hành với kỳ hạn từ 2-4 năm, lãi suất thấp từ 3-4,2%. Những ngân hàng có khối lượng lớn trái phiếu phát hành với lãi suất thấp, kỳ hạn ngắn hơn 5 năm, bao gồm: ACB (11.200 tỷ đồng), VPBank (9.900 tỷ đồng), TPBank (6.000 tỷ đồng), OCB (5.000 tỷ đồng), HDBank (4.600 tỷ đồng).
Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 61.988 tỷ đồng. Trong đó, một số Công ty và Dự án phát hành khối lượng lớn như: Alpha City (huy động 8.060 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi CTCP Đầu tư Golden Hill và CTCP Đầu tư Voyage), Vingroup (4.375 tỷ đồng), Hưng Thịnh Quy Nhơn (4.000 tỷ đồng),... Trong gần 62 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành, có khoảng 25,4% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Đặc biệt, lãi suất phát hành của các công ty bất động sản thường có mức khá cao. Mức lãi suất trái phiếu thấp nhất ghi nhận ở mức khoảng 8%/năm. Trong khi đó, mức cao nhất lên tới 13%/năm, đây là mức cao gấp đôi so với mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm, có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD) và trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD). Mới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng huy động 1.500 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu cho công chúng.