Đồng Nai là địa phương đang có mật độ dày đặc các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, vốn đầu tư cực lớn như sân bay quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… Tiến độ triển khai của những hạ tầng này hiện đang đến đâu?

Sân bay Long Thành: Khởi công “trái tim” của dự án

Chiều ngày 31/8, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khởi công hai gói thầu quan trọng nhất của sân bay quốc tế Long Thành.

Trong đó, gói thầu xây lắp nhà ga giai đoạn 1 có vốn đầu tư lên đến 35.000 tỉ đồng được ví như “trái tim” của toàn dự án. Công trình này do Liên danh nhà thầu Vietur sẽ được triển khai và hoàn thành trong vòng 39 tháng.

Gói thầu còn lại gồm các hạng mục đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay, sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất…có tổng vốn đầu tư hơn 7.300 tỉ đồng. Gói thầu này sẽ xây dựng và hoàn thành trong vòng 24 tháng.

Về giải phóng mặt bằng, đến nay tỉnh Đồng Nai đã bàn giao toàn bộ 5.000ha đất của cả hai giai đoạn dự án sân bay Long Thành cho chủ đầu tư.

Dự kiến, giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ hoàn thành cơ bản năm 2025, đưa vào khai thác thương mại năm 2026. Sân bay sẽ có công suất đón 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: Chậm tiến độ, đội vốn gần 3.700 tỉ đồng

Được khởi công từ tháng 6/2023, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hiện nay đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, cùng với đó là tăng vốn đầu tư thêm 3.700 tỉ đồng.

Cụ thể, báo cáo mới nhất của Bộ GTVT cho biết, dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua đị bàn tỉnh Đồng Nai hiện chỉ mới bàn giao khoảng 6% mặt bằng. Trong khi đó, dự án thành phần 1 thậm chí chưa kiểm kê, khảo sát giá đất và chưa phê duyệt phương án bồi thường.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án là do khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, là sự chậm trễ xây dựng các khu tái định cư để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Bộ GTVT, với tiến độ như hiện nay, dự án hạ tầng quan trọng này có nguy cơ không đạt được kế hoạch hoàn thành cuối năm 2025 và khai thác năm 2026 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Theo phương án được Quốc hội phê duyệt ban đầu, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng vốn đầu tư 17.873 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến là 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai (34km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (19,7km).

Tuy nhiên, sau khi tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng thời điểm hiện tại, Bộ GTVT cho biết, tổng vốn đầu tư của cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ tăng thêm gần 3.700 tỉ đồng.

Vành đai 3 TP.HCM: Nhà thấu hối bàn giao mặt bằng

Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 8,22km (đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 6,3km), tổng vốn đầu tư hơn 6.955 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) vào đầu tháng 9/2023, tiến độ dự án thành thành phần 1A đã đạt 38% tổng khối lượng với cả hai gói thầu CW1 và CW2; riêng hạng mục cầu Nhơn Trạch (gói CW1) nối huyện Nhơn Trạch với TP. Thủ Đức (TP.HCM) đã đạt 46% khối lượng.

Cũng theo đơn vị này, tiến độ các cọc khoan nhồi khu vực sông đã đạt 100% khối lượng, hiện đang tiếp tục hoàn thành các mố trụ. Dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm thi công, tức đến tháng 9/2025.

Công trình cầu Nhơn Trạch thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Trước đó, đại diện nhà thầu chính thực hiện gói thầu cầu Nhơn Trạch đã bày tỏ lo lắng về việc chậm bàn giao mặt bằng từ phía tỉnh Đồng Nai khoảng 11 tháng, kể từ ngày khởi công.

Nhà thầu cho biết, để dự án đạt kế hoạch về đích vào tháng 9/2025, mặt bằng phía Đồng Nai phải bàn giao cho nhà thầu chậm nhất vào cuối tháng 9/2023.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành: “sống lại” sau nhiều năm bất động

Được khởi công từ năm 2014 và dự kiến thông xe vào năm 2018, nhưng số phận của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành lại không suôn sẻ như kế hoạch đề ra.

Tuyến cao tốc dài 57,8 km này đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An có vai trò rất quan trọng. Không chỉ rút ngắn thời gian từ Long An sang Đồng Nai xuống 2 giờ, giảm ùn tắc cho TP.HCM, giải tỏa kết nối cho khu vực miền Tây sang miền Đông Nam bộ, góp phần giảm áp lực giao thông cho QL1A, QL51...

Tuy nhiên, từ năm 2019, dự án đã dừng thi công do những thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn.

Phải đến tháng 5/2023, tuyến cao tốc này mới được thi công trở lại với gói thầu A6 đi qua Đồng Nai, dài hơn 16 km. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành đến tháng 9/2025.

Hương lộ 2: Thi công cầm chừng

Dự án Hương lộ 2 với tổng chiều dài gần 10km kết nối quốc lộ 51 với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã được khởi công từ năm 2020.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng này sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối trung tâm TP. Biên Hòa, TP.HCM với khu vực Long Hưng – nơi đang có nhiều dự án đô thị quy mô lớn được xây dựng. Tuyến đường này cũng sẽ giảm tải cho quốc lộ 51 đang quá tải.

Tuyến Hương lộ 2 vẫn dang dở sau 3 năm khởi công

Tuy nhiên, sau 3 năm kể từ ngày khởi công, tuyến đường này vẫn đang dở dang, thi công cầm chừng. Ghi nhận thực tế, một số đoạn của tuyến đường này đi qua các khu đô thị đã dần thành hình.

Trong khi đó, cầu Vàm Cái Sứt kinh phí gần 387 tỉ đồng hạng mục quan trọng của dự án hương lộ 2. Công trình dài 650 m, rộng hơn 23 m có 4 làn xe hiện dang dở, do vướng giải phóng mặt bằng.

Với tiến độ thi công cầm chừng như hiện nay, tuyến Hương lộ 2 vẫn chưa xác định được ngày về đích.

Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa: Tái khởi động hạng mục quan trọng nhất

Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến Đặng Văn Trơn) có tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng. Đây là là dự án trọng điểm của tỉnh kết nối trung tâm TP.Biên Hòa đến Ngã tư Vũng Tàu sẽ giúp giảm ùn tắc cửa ngõ vào trung tâm Đồng Nai.

Tuyến đường này có chiều dài hơn 5,4 km, được chia làm 2 nhánh. Nhánh 1 có điểm đầu giao đường Võ Thị Sáu, điểm cuối giao đường Đặng Văn Trơn tại nút giao cầu An Hảo, kết nối quốc lộ 1 và quốc lộ 51, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Nhánh 2 dài gần 1,8 km, điểm đầu giao nhánh một ở phường Hiệp Hòa, điểm cuối giao đường đầu cầu Bửu Hòa, kết nối quốc lộ 1K.

Cầu Thống Nhất khởi công trở lại từ tháng 8/2023

Đầu năm 2023, hạng mục quan trọng nhất của dự án này là cầu Thống Nhất nối hai phường Thống Nhất với phường Hiệp Hòa được khởi công xây dựng.

Theo thiết kế, cầu Thống Nhất có quy mô từ 6-10 làn xe, bề rộng 45-95m. Đây là cây cầu trực tiếp kết nối P.Thống Nhất với P.Hiệp Hòa. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 479 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau khi khởi công dự án gặp khó khăn khi vướng mặt bằng 20 lồng bè cá của người dân buộc ngừng thi công suốt một thời gian dài.

Liên quan đến dự án này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải có chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Giữa tháng 8/2023, các đơn vị nhà thầu mới thi công trở lại khi tỉnh Đồng Nai tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng.

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.