23/06/2022 9:34 AM
Ăn chênh lệch trong mua bán bất động sản là câu chuyện không còn xa lạ ở lĩnh vực này. Mối quan hệ cộng sinh giữa nhà đầu tư và môi giới là điều ai cũng hiểu, nhưng trong cơn sốt đã nảy sinh những mâu thuẫn về mặt lợi ích. Nhà đầu tư chi tiền nhưng người hưởng lợi nhiều nhất lại là những “cò” và “siêu cò”.

Mối quan hệ giữa nhà đầu tư và môi giới phát sinh nhiều mâu thuẫn trong những cơn sốt. Ảnh minh hoạ

Hoa hồng tùy vào từng cơn sốt

Trong giới kinh doanh bất động sản, vai trò của những người môi giới, nhiều thời điểm biến tướng bị gọi là “cò đất” là rất khó để phủ nhận. Với sự nhanh nhạy và đa dạng những mối quan hệ, những người hoạt động trên lĩnh vực bất động sản đã giúp sức rất nhiều cho nhà đầu tư để mua bán, chuyển nhượng bất động sản và đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cũng không tiếc tiền chi “hoa hồng” cho môi giới để tạo mối quan hệ “cộng sinh” lâu dài và bền vững.

Khoản hoa hồng môi giới được hưởng thường là 1% trên giá trị lô đất. Thời gian gần đây, mức chi hoa hồng đã được đẩy lên cao, đặc biệt là tại những vùng đất đang trong tình trạng “nóng bỏng tay”.

Đơn cử như những cơn sốt đất diễn ra tại Hà Tĩnh, Quảng Trị vừa qua. Tùy theo từng vùng và tùy theo thời gian “ra hàng” mà các môi giới có thể làm, nhà đầu tư sẽ phải chi hoa hồng phù hợp và tất nhiên là cao hơn so với con số 1% như thường lệ.

Anh Hoàng Minh Trí, nhà đầu tư tại TP. Vinh (Nghệ An), cho biết gần một năm trước, khi giao dịch một số lô đất tại khu đô thị mới Nam Đông Hà (Quảng Trị), số tiền hoa hồng anh chi cho môi giới bất động sản khá cao. Nếu một lô đất bán ra với mức giá từ 1,7- 1,9 tỉ đồng thì mức hoa hồng dành cho môi giới từ 30-35 triệu đồng tùy vào thời gian chạy hàng. Thời gian bán ra càng nhanh thì hoa hồng được nhận càng cao.

“Trong cơn sốt đất, chúng tôi thường chi hoa hồng cho môi giới rất cao để họ nhiệt tình đẩy hàng. Nếu bán được đất trong thời gian đặt cọc, thì chúng tôi cũng không tiếc tiền chi cho môi giới”, anh Trí cho biết.

Câu chuyện của anh Trí cũng là câu chuyện của nhiều nhà đầu tư khác. Bởi lẽ, không ai muốn trở thành “nạn nhân cuối cùng” trong cơn sốt, nên dù chi hoa hồng ở mức cao thì vẫn tốt hơn là xuống tiền - ôm đất.

Nhà đầu tư lãi một, cò lãi gấp đôi

Trái ngược với câu chuyện lợi ích tự nguyện kể trên, hiện nay, thị trường bất động sản ghi nhận việc cò đất cố tình bán chênh lệch giá của nhà đầu tư để có thêm lợi nhuận. Có nhiều trường hợp, nhà đầu tư lời một, cò đất lãi gấp đôi. Mọi mâu thuẫn, xung đột lợi ích cũng bắt đầu từ đây.

Chị Nguyễn Thị Huyền, (Đống Đa, Hà Nội), kể hồi đầu năm 2022 khi giá bất động sản vùng ven Hà Nội đã tăng cao, chị tìm mua một lô đất tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh với giá 85 triệu đồng một mét ngang. Sau đó, chị gửi luôn môi giới lướt với giá 90 triệu đồng/mét. Hơn một tuần sau, chị nhận được thông tin đã bán được lô đất với giá yêu cầu.

Vì tin tưởng, chị Huyền ủy quyền nhận đặt cọc từ bên mua cho môi giới và nhận về số tiền đặt cọc là 170 triệu, chi hoa hồng 15 triệu đồng. Câu chuyện trở nên rắc rối khi chị Huyền bị bên bán bẻ cọc. Lúc đền cọc chị mới vỡ lẽ, số tiền mà môi giới nhận đặt cọc cho chị là 300 triệu đồng. Số tiền còn thiếu, 130 triệu đồng chính là số tiền chênh lệch mà môi giới hưởng lợi từ quá trình đầu tư của chị.

“Tôi bỏ tiền ra đầu tư, nhưng tôi thu lợi từ lô đất này là 100 triệu đồng, trong khi “cò đất” lại lãi đến 145 triệu tất cả. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây, tôi không biết đến số tiền chênh lệch đó. Khi đất bị bẻ cọc, thiếu một chút nữa là tôi bỏ tiền để làm giàu cho người khác”, chị Huyền nói.

Lợi dụng tâm lý đẩy nhanh, lướt cọc của các nhà đầu tư tay ngang, rất nhiều môi giới đã chủ động nâng giá bán để hưởng chênh lệch ở mức cao mà không để nhà đầu tư hay biết. Đối với những lô đất giao dịch thuận lợi thì những người đầu tư cũng chỉ gật đầu cho qua chuyện rồi tiếc rẻ một món lợi nhuận không nhỏ rơi vào túi người khác. Nhưng với những lô đất nảy sinh vấn đề, tranh chấp, bỏ cọc thì mọi rủi ro đa phần là nhà đầu tư phải chịu.

Chưa kể, việc nâng giá đất quá cao để hưởng chênh lệnh của những người môi giới còn làm ảnh hưởng lớn đến quá trình mua bán, chuyển nhượng bất động sản. Trên thực tế, có nhiều lô đất bị ngó lơ khi giá chào bán đã chạm đỉnh trong khi nhà đầu tư vẫn cứ tin tưởng đã được giao cho đúng người và sẽ sớm nhận được “tin vui”.

Cuối cùng, người lãi nhất trong cuộc đua đất cát lại không phải là người bỏ vốn mà lại chính là những tay cò đất.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khuyến cáo trong quá trình tham gia thị trường, nhà đầu tư nếu không có đủ thông tin, kiến thức cần phải tìm đến với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp có uy tín, có thương hiệu để được tư vấn, hướng dẫn và sẽ có kết nối đến các dự án phù hợp, đảm bảo và hiệu quả.

Một số ý kiến khác cho rằng, để tránh "sập bẫy" từ các cò đất, người mua cần cập nhật thường xuyên tin tức thị trường để nắm tình hình, kiểm tra kỹ quy hoạch, không quyết định vội vàng mà luôn cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền. Đặc biệt, cần tham khảo giá nhà đất tương tự cùng khu vực để nắm được mức giá chung hiện tại của thị trường.

Đức Nhân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.