Rất nhiều doanh nghiệp được hỏi đều nói: công việc thì cứ phải cố gắng làm, cố gắng duy trì, chờ thời cơ mới, chứ làm ăn gì được khi lãi suất ngân hàng đã "nuốt chửng" hầu hết lợi nhuận kinh doanh, thậm chí mấy năm qua đều phải bù lỗ!
LTS: Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực tìm các giải pháp để hạ lãi suất trên thị trường, tuy nhiên, mức giảm chỉ là "nhỏ giọt". Vậy, gốc của vấn đề nằm ở đâu? Tại sao Thông tư 19 sửa đổi một số điều Thông tư 13 đã được ban hành mà tình hình vẫn ít suy chuyển?

Bài viết dưới đây của độc giả - là một doanh nhân - đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp, bức xúc về chính sách lãi suất hiện nay đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, tuy là quan điểm riêng, nhưng có nhiều câu hỏi thiết thực đặt ra cần được trả lời thấu đáo.


Bao giờ hết đợi "Thông tư"? Doanh nghiệp đang phải luôn thấp thỏm chờ chính sách!

Lãi suất trái phiếu chính phủ 10%, lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước 8%/năm, lãi suất huy động vốn hay tiết kiệm tại mức VND 11%/năm và USD 4,7%-5,2%/năm, lãi suất không kỳ hạn 4,8%/năm, lãi suất cho vay doanh nghiệp hơn 13-20%/năm, lãi suất cho vay liên ngân hàng 8-9%/năm... Tất cả đều quá cao so với tình hình chung của nền kinh tế thế giới!

Giới hạn "sức chịu đựng" của doanh nghiệp là gì?

Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 20/05/2010 có hiệu lực thi hành ngày 1/10/2010 thì ngày 27/09/2010, NHNN lại ban hành Thông tư 19 để "sửa đổi một số điểm mấu chốt của Thông tư 13"! Tiếp theo việc thực hiện sẽ ra sao? Có hiệu quả không?

Vấn đề các chi tiết nội dung của Thông tư 13 và Thông tư 19 không được bàn ở đây, chúng ta chỉ để cập đến việc cách thức ban hành các văn bản hành chính theo lối "sai và sửa" hay "chạy thử và sửa sai" đối với các chính sách quan trọng, các văn bản pháp luật có tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế xã hội như hiện nay.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh trong kinh doanh rất lớn vì phải kinh doanh trong môi trường lãi suất cao "nhất thế giới". Để minh chứng điều này chúng ta thử tìm kiếm xem, trong nền kinh tế thế giới hiện nay có quốc gia nào có hội đủ các loại lãi suất cao ngất ngưỡng như Việt Nam?

Tại sao lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước là 8%/năm, cũng thuộc loại "nhất thế giới"? Tại sao cả các ngân hàng và cả doanh nghiệp đều phải thấp thỏm dõi theo lãi suất cơ bản hàng tháng và các chính sách như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá USD....v.v.. với nhiều nỗi lo âu như vậy?



Các nhà làm chính sách lại dõi theo chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng (CPI) để rồi đưa ra các chính sách cũng theo kiểu "hàng tháng" giống như "chạy chợ" này?

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này có khó khăn gì mỗi khi điều chỉnh chính sách và ban hành chính sách? Các nguyên lý cơ bản hay công thức vận hành được sử dụng tại Ngân hàng Nhà nước hay cơ chế "ra quyết định" có dễ dàng được nhận biết? Có quy luật nào ở đây? Có động cơ khách quan hay chủ quan nào ở đây? Ai là người chịu trách nhiệm? Cá nhân hay tập thể?

Trở lại việc ban hành các thông tư của Ngân hàng Nhà nước và các chính sách tài chính được đưa ra, chúng ta thấy "tính đồng bộ" và "tính nhất quán" đều chưa được rõ ràng.

Ví dụ: trong năm 2008, năm 2009 các chính sách thắt chặt tín dụng đột ngột và quá mức đã góp phần gây ra việc "thắng gấp" tốc độ phát triển kinh tế của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh "sống dở, chết dở" thậm chí phá sản, dẹp tiệm!

Khi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, việc hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp tới tay những doanh nghiệp nào, đúng đối tượng hay chưa, hiệu quả ra sao phải chờ các kết luận thanh tra về hệ thống ngân hàng mà sơ bộ có nhiều sai phạm như các báo đã đưa tin.

Một người bạn có lần cho xem hai văn bản quyết định về thủ tục đất đai đối với hộ dân của UBND một quận tại TP.HCM, trong cùng một ngày nhưng có hai nội dung hoàn toàn trái ngược nhau, rất mâu thuẫn, một của Chủ tịch và một của Phó chủ tịch. Sau đó, họ nhận ra sai sót và sửa chữa bằng cách ra một quyết định khác hủy bỏ một trong hai quyết định trước và đã gây ra thiệt hại cho khổ chủ là người dân trong quyết định này!

Thông tư 13 gây ra một sự quan ngại đối với cả hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, để rồi sau hơn 4 tháng chờ đợi được tu sửa bằng một Thông tư 19 khác với nội dung mới.

Trong thời gian chờ đợi vừa qua, các ngân hàng và doanh nghiệp rơi vào thế bị động, không biết trước tình hình sẽ diễn biến tiếp theo ra sao? Ngân hàng ngập ngừng không dám cho vay thì doanh nghiệp không có tiền triển khai các dự án kinh doanh, kéo theo mọi việc đình trệ.

Việc ban hành Thông tư 13 rồi tới Thông tư 19 kiểu này, không khác gì việc ban hành chính sách thắt chặt tín dụng đột ngột như trong quý I năm 2008 và năm 2009, khi lãi suất cho vay tăng cao đến 15%-20%/năm và duy trì trong thời gian dài quá sức chịu đựng của doanh nghiệp như hiện nay.

Các văn bản chính sách ban hành cứ như đang "cắn vào đuôi nhau", làm đau lẫn nhau, và tất cả đều thiệt!

Rất nhiều doanh nghiệp được hỏi đều nói: công việc thì cứ phải cố gắng làm, cố gắng duy trì, chờ thời cơ mới, chứ làm ăn gì được khi lãi suất ngân hàng đã "nuốt chửng" hầu hết lợi nhuận kinh doanh, thậm chí mấy năm qua đều phải bù lỗ! Họ làm chẳng qua vì nếu không tiếp tục thì chi phí thanh lý doanh nghiệp còn cao hơn nhiều, nếu phải dẹp bỏ làm lại cái mới hay đóng cửa doanh nghiệp!

Đến giờ, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong tình trạng lúng túng không biết làm sao để hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Vì xét cho cùng vẫn phải để "doanh nghiệp sống" thì nền kinh tế thực mới sống! Mới "nuôi" được các chủ thể và khách thể khác!

Chúng ta giống như một bệnh nhân lỡ uống thuốc điều trị bệnh quá liều (do đã đẩy lãi suất các loại tăng quá cao) nay đến lượt "liều thuốc quá mức này" quay lại có hại. Làm suy nhược cơ thể người bệnh, gây ra các bệnh khác.

Giải quyết bài toán lại bằng cách kêu gọi các ngân hàng "đồng thuận" hạ lãi suất trong khi nhu cầu và năng lực của mỗi ngân hàng đều không như nhau, điều này có trở nên "chủ quan, duy ý chí"!

Nút thắt hay các chướng ngại đang nằm ở đâu? Tại sao Ngân hàng Nhà nước với các công cụ trong tay không tự làm một số việc trong tầm tay mình như cắt giảm lãi suất cơ bản, hạ lãi suất trái phiếu chính phủ và một số động tác điều chỉnh khác mà lại kêu gọi doanh nghiệp "đồng thuận" chịu thiệt?

Một vấn đề khác được đặt ra là: sức chịu đựng của doanh nghiệp đối với lãi suất ngân hàng là bao nhiêu % và như thế nào? Đây cũng là sức chịu đựng của mỗi người dân vì "dân" là người tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp.

Các nhà làm chính sách tài chính, ngân hàng có tham vấn doanh nghiệp trước khi ra chính sách? Có phỏng vấn, họp báo, tìm hiểu, lập nghiên cứu sâu nào trước khi ra chính sách?

Nếu những năm qua, từ 2008 đến nay, các doanh nghiệp luôn kêu thua lỗ thì lợi nhuận, theo quy luật thị trường luôn có người thắng kẻ thua trên thương trường, thật sự đang nằm trong túi ai?

Có khi nào một số chính sách tài chính tiền tệ thiếu sót đã và đang diễn ra? Phát triển kinh tế tại hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều có tốc độ phục hồi sau khủng hoảng kinh tế tốt hơn, cao hơn chúng ta trong năm nay!
Cafeland.vn - Theo VNR500
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland