Thị trường bất động sản TP. HCM thời gian gần đây dù không hoàn toàn đóng băng về giao dịch, song so với nhu cầu thực tế và nguồn cung đang tồn đọng, mức độ giao dịch của thị trường còn quá khiêm tốn. Giới kinh doanh địa ốc cho rằng, thị trường bất động sản hơn lúc nào hết rất cần được kích cầu để “phá băng”.
Nới tín dụng, chưa đủ
Tại buổi làm việc giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Hiệp hội Bất động sản TP. HCM về giải pháp khắc phục khó khăn cho các DN bất động sản mới đây, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nhấn mạnh, thực tế tín dụng thời gian qua đã mở rất nhiều cho các DN bất động sản. Các chính sách tín dụng ngân hàng gần đây được công bố khá đồng bộ, nguồn vốn được cung ứng kịp thời theo tiến độ các dự án.
Cụ thể, BIDV cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp rà soát lại toàn bộ khoản vay của DN bất động sản, xác định dòng tiền đầu ra, tiến độ dự án. Từ đó, phân loại dự án nào có gia hạn trả nợ, bơm thêm tiền và cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay theo mặt bằng mới. BIDV đã đưa ra một số gói tín dụng kích cầu đầu ra như gói tín dụng cho nhà đầu tư được vay vốn mua nhà hoặc gói tín dụng hợp tác 4 nhà (chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình, nhà cung ứng vật liệu xây dựng và khách hàng), nhằm tạo ra sự luân chuyển dòng tiền. Theo ông Hà, DN bất động sản hiện đã bớt nỗi lo trả nợ, được cơ cấu lại các khoản nợ vay, vấn đề còn lại là DN xoay xở như thế nào để giải quyết được đầu ra, tạo thanh khoản cho thị trường.
Trao đổi với phóng viên, một số DN bất động sản cho rằng, thời gian qua, việc DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phần nào dễ dàng hơn và đã có nhiều DN được cơ cấu lại các khoản nợ vay. Tuy nhiên, vấn đề này mới chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của các DN.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, DN có thể vay được vốn ngân hàng nhưng lãi suất cho vay hiện còn rất cao. DN nào có kế hoạch kinh doanh chắc chắc có lợi nhuận từ vài chục phần trăm trở lên mới dám tính đến chuyện vay vốn ngân hàng để đầu tư. Thị trường đang bị ngưng trệ, đầu ra bị ách tắc, nên chưa chắc, DN dám vay để đầu tư. “Tôi khẳng định, so với chi phí đầu tư, giá bất động sản hiện đã chạm đáy và nhu cầu người mua nhà rất nhiều, nhưng đa phần người có nhu cầu nhà ở hiện nay không đủ năng lực tài chính để mua, mà cần phải sử dụng vốn vay mới có thể mua được, song với lãi suất quá cao, nhiều người không dám vay”, ông Đực nói. Cách tốt nhất để tạo thanh khoản cho thị trường theo ông Đực, là cần có chính sách để người mua nhà tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp.
Cần chính sách kích cầu
Ở một góc độ khác, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành cho rằng, yếu tố quyết định tạo nên “cái chết” của thị trường bất động sản hiện nay chính là người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin. “Khi bán căn hộ dự án Lê Thành Twin Tower ở quận Bình Tân, chúng tôi đã kèm theo chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng 12%/năm trong suốt 5 năm. Nhưng rốt cuộc, việc bán hàng cũng không mấy hiệu quả. Khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết được, sở dĩ người có nhu cầu mua nhà chưa xuống tiền lúc này vì cho rằng, giá bán vẫn còn cao, chờ giá giảm thêm nữa mới mua. Trong khi đó, giá chúng tôi bán ra không thể giảm hơn được nữa”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, thị trường đang rất cần được kích cầu để phá băng. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, tạo sự yêu tâm cho người tiêu dùng, kích thích thị trường bằng chính sách tín dụng như giảm lãi suất cho người mua nhà, hoặc giảm, giãn thuế để DN giảm giá thành sản phẩm đầu ra.
Theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Việt Nam, những chính sách của Chính phủ thời gian qua như nới tín dụng cho bất động sản và gần đây nhất là đề xuất của Bộ Tài chính về gói hỗ trợ DN, thực tế chưa biết có thể hỗ trợ được DN đến mức nào, nhưng trước mắt đã có những tác động tích cực nhất định đến tâm lý của DN, nhà đầu tư. Theo ông Hoàng, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, song yếu tố quyết định vẫn là chính sách tín dụng. Một khi tín dụng được nới lỏng, lãi suất giảm, thị trường bất động sản sẽ tốt lên.