28/07/2014 11:04 AM
TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong những tháng đầu năm khá thành công. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ và tín dụng vẫn phải đối mặt thách thức rất lớn từ suy giảm tổng cầu của nền kinh tế trong thời gian tới.

7 tháng đầu năm 2014 là quãng thời gian thành công lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy sức cầu nền kinh tế yếu, CPI các tháng đầu năm thấp, nhưng để duy trì và kiểm soát lạm phát ở mức như hiện nay có vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ.

Từ đầu năm đến nay, lãi suất điều hành của NHNN, định hướng lãi suất thị trường huy động và cho vay giảm khá nhanh, tạo điều kiện thuận lợi để DN có kết quả hoạt động tài chính tốt hơn so với năm trước. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chế biến, chế tạo, dịch vụ có xu hướng phục hồi trở lại. Mặc dù sự hồi phục vẫn ở tốc độ chậm, nhưng với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay thấp hơn nhiều so với thời gian ngắn trước đây đã hỗ trợ tích cực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Thành công nữa trong điều hành chính sách tiền tệ là phục hồi dự trữ ngoại tệ đạt mức kỷ lục khoảng 35 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay. Mặc dù thời gian qua thị trường tiền tệ bị tác động nhiều yếu tố tâm lý, giá vàng thế giới tăng do khủng hoảng Ukraine, tình hình phức tạp tại Biển Đông, nhưng mức biến động tỷ giá không đáng kể. Đến giờ phút này, NHNN đã kiểm soát tỷ giá hối đoái. Đặc biệt, các NHTM vẫn duy trì trạng thái ngoại tệ âm - bán ra nhiều hơn mua vào - cho thấy lòng tin của thị trường nói chung, và các NHTM nói riêng vào chính sách tỷ giá khá tích cực. Qua đó hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu. Điểm sáng nữa là NHNN tiếp tục duy trì thị trường vàng ở vị thế khá ổn định, dù giá vàng thế giới có thời điểm biến động tăng mạnh. Đặc biệt, giao dịch trên thị trường vàng được kiểm soát rất tốt, ngay cả trong điều kiện thị trường chịu tác động tâm lý từ sự kiện Biển Đông.

Và tôi cho rằng, một thành công lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua đó là tạo lập kỷ luật thị trường tốt hơn nhiều so với trước đây. Tình trạng chạy đua lãi suất đã được kiểm soát. Các NĐT trong nước cũng như quốc tế tỏ rõ lòng tin của mình vào xu thế ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn. Đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp cũng vì thế mà vẫn tăng, xét trên bình diện con số giải ngân.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ và tín dụng vẫn phải đối mặt thách thức rất lớn từ suy giảm tổng cầu của nền kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể đó là những thách thức gì, thưa ông?

Tăng trưởng tín dụng (TTTD) rất thấp, nợ xấu trên thực tế ở mức khá cao và triển vọng xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn. Đây được coi là thách thức lớn nhất trong toàn bộ chương trình tái cấu trúc hệ thống NH và thách thức phục hồi kinh tế trong trung hạn.

Theo dự báo của các chuyên gia, 6 tháng cuối năm, chỉ số lạm phát có thể vẫn duy trì mức thấp và lãi suất huy động VND còn dư địa để giảm. Song, nếu giảm lãi suất huy động thêm nữa sẽ tạo áp lực nhất định đối với tỷ giá, nhất là trong trường hợp tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Thị trường vàng không quá đáng lo vì theo dự báo vẫn có thể có những biến động do khủng hoảng Ukraine và tình hình Trung Đông vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp. Tuy nhiên, giá vàng cũng có thể có biến động nhẹ. Nhưng tôi nghĩ thị trường vàng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN.

Một áp lực khác của chính sách tiền tệ, tín dụng từ nay đến cuối năm là việc đảm bảo chỉ tiêu TTTD. Theo tôi, đây còn là áp lực lớn có thể kéo dài vài ba năm tới và phụ thuộc nhiều vào tiến độ xử lý nợ xấu cũng như sự phục hồi cầu tiêu dùng và đầu tư.


Tăng chế tài để xử lý nhanh nợ xấu, giảm tổn thất tài chính

Vậy theo ông, để TTTD không còn mối lo dài hạn, hệ thống NH cần phải có những biện pháp gì?

Để giải quyết vấn đề TTTD, hệ thống NH cần tập trung vào thực hiện chương trình đã được NHNN công bố như cho vay nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi sản phẩm liên kết, liên kết 4 nhà trong ngành Xây dựng, cho vay đóng tàu vỏ thép… Đặc biệt, các NHTM cần quan tâm nhiều hơn đến khu vực công nghệ chế biến và chế tạo - nơi đang có thị trường tiêu thụ khá tốt nhờ lực cầu của thị trường xuất khẩu - nhưng nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này đang có nợ xấu và không được đảm bảo vốn lưu động để nâng công suất sản xuất…

Ngoài ra, tôi cho rằng, Chính phủ và NHNN cần có bước đi đột phá trong việc xử lý nợ xấu. Cụ thể chúng ta cần kiến tạo chính sách và cơ chế để tăng quyền lực đủ mạnh cho VAMC, giúp cho định chế này xử lý nợ xấu. Giúp họ (VAMC – PV) có thể bán tài sản và xác lập nhanh chóng chủ quyền tài sản cho NĐT. Sự phối hợp hiện tại với bộ liên quan trong xử lý nợ xấu vẫn bị bó hẹp trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Nếu các thủ tục hành chính, xung đột pháp lý vẫn còn sẽ khiến cho VAMC không có khả năng xử lý các khoản nợ xấu đang tồn tại ở NHTM. Trong khi nguồn lực từ các NHTM phải huy động để trích lập dự phòng rủi ro và nguồn lực tài chính từ VAMC qua phát hành trái phiếu đặc biệt rất hạn chế và nó không đủ khả năng giúp các NHTM giải quyết nhanh nợ xấu cũng như phục hồi, bù đắp một phần tổn thất tài chính của họ.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, Chính phủ cần có những biện pháp đặc biệt để huy động nguồn lực tiền mặt từ ngân sách như phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế; sử dụng tiền bán cổ phần DNNN từ SCIC, thậm chí dự trữ ngoại tệ.

Nếu không xử lý nhanh nợ xấu thì tổn thất tài chính sẽ tăng lên gấp bội và công cuộc tái cơ cấu hệ thống NH sẽ gặp nhiều trở ngại không thể vượt qua được. Đặc biệt, việc áp dụng chuẩn mực hiện đại hoặc giải quyết tình trạng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn sẽ không thực hiện được. Đây cũng là điều mà các NĐT, định chế tài chính đang dành sự quan tâm đặc biệt so với chương trình tái cơ cấu khác của Chính phủ như tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Huyền (Thờ báo Ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.