Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng như: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi, theo báo Tiền Phong.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn ngân sách.
Cụ thể, thống nhất chủ trương Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bằng vốn đầu tư công (theo hướng hợp đồng EPC).
Chủ tịch Hà Nội phân công Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn làm việc với doanh nghiệp để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai xây dựng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương xem xét tờ trình của Sở Giao thông vận tải về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1/2025. Tham mưu bố trí vốn đầu tư công thực hiện dự án đầu tư. Trước đó, tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là 19.959 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội thống nhất về chủ trương thực hiện Dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bằng nguồn vốn đầu tư công; giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt theo đúng quy trình; báo cáo UBND TP trong tháng 2/2025.
Lãnh đạo UBND TP cũng thống nhất về chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn 2 đầu cầu bằng nguồn vốn đầu tư công. CÙng với đó, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu, đề xuất UBND TP việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính bắc qua sông Hồng, báo cáo UBND TP trong tháng 12 năm nay.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đơn vị này đã phối hợp nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức PPP (đối tác công tư).
Qua nghiên cứu đã lập phương án kỹ thuật, trong đó xác định chiều dài toàn tuyến là 11,5km. Trong đó, cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 5,5km; đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km.
Trong khi đó, cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A). Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận.
Mặt cắt ngang cầu chính tại giữa nhịp là 40,66m, tại trụ cầu là 47,76m. Cầu chính dài 900m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Cầu Trần Hưng Đạo được thiết kế gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp, hai làn xe đạp và vỉa hè cho người đi bộ. Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu.
Hai đầu cầu có hai công viên, tháp ngắm cảnh. Các nút giao cắt tạo sự thuận tiện cho việc tiếp cận phương tiện giao thông. Chiều rộng, cao độ của mặt cầu và độ dốc vừa phải được thiết kế thân thiện với cả người đi xe đạp và người đi bộ từ hai phía đầu cầu.
Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 16.374 tỉ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối giao thông khu vực trung tâm TP. Hà Nội với quận Long Biên và vùng lân cận.
Theo quy hoạch giao thông đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Hiện nay đã có 8 cầu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.
Trong những năm tới sẽ tiếp tục xây dựng 10 cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).
-
Hé lộ kế hoạch triển khai cầu hơn 16.300 tỉ vượt sông hồng nối trung tâm Hà Nội với quận Long Biên
Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng với quận Long Biên sẽ được đầu tư với kinh phí lên đến 16.374 tỉ đồng.
-
Một doanh nghiệp muốn làm dự án khu đô thị hơn 3.000 tỷ đồng tại huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị mới Mê Linh tại xã Mê Linh và xã Văn Khê, huyện Mê Linh.
-
Đại biểu Quốc hội: Không có chuyện lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách tràn lan để làm nhà ở thương mại
Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất....
-
Sau giảm giá 30 tỷ, ngân hàng tiếp tục hạ giá thêm 28 tỷ hai căn biệt thự ở Ciputra
Ngân hàng Agribank chi nhánh Tràng An tiếp tục rao bán đấu giá hai căn biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lần thứ tư.